“Who controls the past, controls the future; who controls the present, controls the past.” George Orwell Công viên Lê Văn Tám, ở Thành phố Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi bốn con đường lớn: Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. Giữa lòng đô thị ngột ngạt và nóng bức, sự hiện diện của một khoảnh đất rộng rãi với cây xanh bóng là một món quà tặng - vô cùng qúi giá - cho công chúng. Vậy mà vẫn có lời ra, tiếng vào: - Làm gì có có thằng nhỏ (mẹ rượt) nào tên Lê Văn Tám, mấy cha? Cứ theo như sử Đảng thì đêm ngày 1 tháng 1 năm 1946, em Lê Văn Tám tẩm dầu vô người, bựt quẹt cho cháy như cây đuốc, rồi chạy cái vù vô kho xăng ở Thị Nghè. Khỏi nói cũng biết là vụ này nổ nổ lớn. Cái kho, tất nhiên, tiêu tùng. Đài phát thanh bên kia đường cũng sập tiệm luôn. Nguyên cả một đại đội lính bảo vệ thì bị thiêu sống, chết không còn một mạng - nửa mạng cũng không! Thiệt là một trang sử chói loà và khét lẹt. Đọc mà thấy ghê, tưởng cứ y như thiệt vậy. Tưởng vậy mà không phải vậy. Sự thiệt, theo lời giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) qua một cuộc phỏng vấn – dành cho báo Người Việt – vào hôm 18 tháng 3 năm 2005 thì em Lê Văn Tám chỉ là một sản phẩm tưởng tượng mà thôi. Và đó là lý do khiến trong thiên hạ có lời xì xào, đòi bỏ cái tên Lê Văn Tám. Tôi có rà lại vụ này, và thấy Wikipedia Việt Nam ghi lại như sau: “Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu. Chuyện ‘ngọn đuốc Lê Văn Tám’ được tuyên truyền rộng rãi để cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân … Tên Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, tượng đài, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác.” Chèng ơi! Như vậy mà mấy cha mấy mẹ cứ nằng nặc đòi xoá tên Lê Văn Tám thì tốn kém, và phiền phức biết chừng nào mà kể. Trong hoàn cảnh đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn (về mọi mặt) tôi đề nghị là cứ giữ tên cũ đi, chỉ cần bôi bớt một nét của chữ “m” cho nó thành “n” thôi. Vậy là khắp nước sẽ có những công viên, trường học, tượng đài Lê Văn Tán chớ không phải là Lê Văn Tám nữa. Rõ ràng vừa tránh được điều tiếng, vừa đỡ tốn công và tốn của. Cứ kể như chuyện “huyền sử ca một nguời mang tên Tám” chỉ là chuyện để tán nhảm, cho vui thôi. Mà sử sách của Đảng ta thì những chuyện nhảm nhí cỡ đó (kể như) là chuyện nhỏ. Hổng tin, thử nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Tôn mà coi. Cũng cứ theo như sử Đảng thì bác Tôn sinh năm 1888, tại Long Xuyên. Năm 1914, ông bị bắt lính qua Tây. Năm 1919, chính ông là người treo cờ đỏ (trên chiến hạm Pháp) ở Hắc Hải để ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1920 ông trở về nước. Năm 1925, ông tổ chức đình công để cầm chân một chiến hạm Pháp ở nhà máy Ba Son… Sự nghiệp và thành tích của bác còn được ghi rõ trong hai tác phẩm chính: Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực (nxb Sự Thật 1982) và Người thủy thủ phản chiến ở Biển Đen (nxb Thông Tin Lý Luận 1988). Cả sử lẫn sách của Đảng ta đều ghi rành rành như vậy mà (rồi) vẫn có điều tiếng eo xèo, dị nghị. Trong một cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện, nghe được vào hôm 24 tháng 8 năm 2003, ông Christoph Giebel - giáo sư sử học của đại học Washington, Hoa Kỳ - đã nói rằng bác Tôn “không có mặt trên bất kỳ con tầu nào của Pháp, liên quan đến vụ binh biến ở Hắc Hải”. Nói cách khác (ít tế nhị hơn) là vụ bác Tôn tham dự vào việc nổi loạn và treo cờ ở Biển Đen chỉ là chuyện… xạo! Cái vẫn thường được mô tả là “cuộc đình công thắng lợi” mà bác Tôn đã khởi xướng ở cảng Ba Son, tất nhiên, cũng… xạo luôn!
Hình bìa cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của Chirstoph Giebel.
Cha nội giáo sư Christoph Giebel (thiệt) vô duyên hết biết luôn! Chuyện của đất nước người ta, mắc mớ gì mà ngứa miệng nhẩy vô bàn luận (và bàn loạn) như vậy chớ?
Hồi mới nghe vụ này, tui cũng tưởng là thằng chả vì rảnh quá sinh thói ngồi lê đôi mách - kiếm chuyện làm quà - nên nghe qua rồi bỏ; ai dè, năm sau, năm 2004, nhà xuất bản University of Washington Press cho ra đời cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của Chirstoph Giebel. Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, tác phẩm này đã “làm sáng tỏ cuộc đời thật cũng như được tô vẽ thêm của Tôn Đức Thắng (1888-1980), một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và thần tượng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đấy chỉ là một bản lí lịch dùng cho các buổi lễ lạt mà thôi… Công trình nghiên cứu này theo sát những quá trình phức tạp, kéo dài hàng chục năm, trong đó những hành động dũng cảm nổi tiếng của Tôn Đức Thắng đã bị xuyên tạc hay đơn giản là bịa ra và - tuỳ theo nhu cầu lịch sử và chính trị - được Đảng sử dụng như một công cụ tuyên truyền” (*). (Ancestries of Vietnamese Communism illuminates the real and imagined lives of Ton Duc Thang (1888-1980), a celebrated revolutionary activist and Vietnamese communist icon, but it is much more than a conventional biography…. The study traces the decades-long, complex processes in which famous heroic episodes in Ton Duc Thang’s life were manipulated or simply fabricated and-depending on prevailing historical and political necessities-utilized as propaganda by the Communist Party”). Sự nghiệp cách mạng của bác Tôn, từ nay, kể như là đi… xuống. Nói tình ngay thì dân Việt đã biết là bác ấy “xuống” lâu rồi, chớ đâu có cần phải chờ đến lúc được cái ông giáo sư ở tuốt bên Huê Kỳ… phát hiện. Trước đó cả thập niên, vào năm 1995, nhà xuất bản Văn Nghệ (California) đã cho trình làng cuốn Thư gửi Mẹ và Quốc hội của Nguyễn Văn Trấn. Qua cuốn sách này, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng được toàn dân hết sức thương cảm và ái ngại - sau khi nghe ông than thân, bằng một câu chửi thề, được ghi lại, nơi trang 266, như sau: “Đ… mẹ, tao cũng sợ!”
(*) chuyển dịch bởi Phạm Minh Ngọc. nguồn; http://danchimviet.com/articles/1125/1/Chut-qua-sinh-nht/Page1.html