18 thg 5, 2009

Về những cái tên ông HCM dùng từng thời kỳ...

Về những cái tên của ông Hồ trong từng thời kỳ (Kỳ 1/2)

Nguyễn Hữu

Tôi thật vô cùng lúng túng khi muốn đề cập đến vấn đề này. Lúng túng đây không phải với bất cứ lý do nào khác ngoài điều suy nghĩ: Làm sao mà thống kê cho đủ, cho đúng số tên mà ông Hồ, một nhân vật lịch sử (đúng rồi) trong thế kỷ 20, người đã để lại rất nhiều tranh cãi cho đến nay mặc dầu ông đã chết từ lâu. Có người bạn nói với tôi ôi dào, ổng có bao tên thì mặc ổng, ổng đã vào quá vãng rồi, anh đếm làm gì, và để làm gì cho mệt xác? Để làm gì thì quả thật tôi cũng chưa tự trả lời được, nhưng một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: Cớ làm sao ông cứ phải thay tên đổi dạng nhiều như thế? Trong trí nhớ rất hạn hẹp của mình, có lẽ tôi chưa thấy một thám tử nào (người luôn phải ẩn dấu tung tích vì công việc), ngay cả trong tiểu thuyết cũng vậy, phải có nhiều cái tên như ổng! Mà nói cho cùng, những người làm việc như ông, các bạn bè cùng lứa với ông, ngay cả các bậc đàn anh của ông, các bậc thầy của ông nữa, nhiều người còn “hoành tráng” gấp bội ông, có ai phải dùng đến nhiều tên họ như vậy đâu? Vậy phải có một cái cớ chi chứ? Thôi, tôi tạm gác việc đi sâu trả lời câu tự vấn trên, hãy “đếm” để tìm đơn thuần về con số xem sao đã.

“Tác giả Douglas Pike trong quyển Khẩu Sử Về Người Mỹ ở Việt Nam 1945-1975 (An Oral History Of Americans In Vietnam 1945-1975) trang 95 đã viết Hồ Chí Minh đi khắp nơi với ít nhất 40 tên giả.

Tác giả Phạm Quang Trình, đã đọc hết tám ngàn trang của bộ Hồ Chí Minh Toàn Tập đồ sộ và cho biết Hồ Chí Minh đã dùng tới 30 bút hiệu khác nhau (quyển Chiến Đấu, trang 272). Nhưng theo tác giả Minh Võ thì chính Hồ Chí Minh tự nhận rằng việc có hơn một trăm tên giả là điều bình thường vì trong mọi tổ chức gián điệp quốc tế, các tên giả là vỏ bọc, là biện pháp an toàn (trích Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp, 1trang 184)”. 2 Còn “theo ông Antatoli Sokolov, “Bác là người có nhiều bí danh nhứt thế giới”: 145 bí danh và tên trong đó có đến 62 bí danh dùng để viết sách, báo ca tụng chính mình như Trần Dân Tiên, T. Lan…” 3Người viết chưa thể kể ra hết các tác gia khác, các nhà “Hồ Chí Minh học” khác, mới chỉ xin nêu danh bốn tác giả kể trên. Về “cái tên” của ông Hồ, theo tôi biết thì người tìm thấy nhiều nhất bảo 165, người ít nhất bảo 30. Còn tôi – kẻ ngoại đạo, chỉ đơn thuần xin làm một việc, cố “lần theo” bước đi của ông và xin liệt kê bước đầu về vấn đề này trong quá trình mò mẫm đọc mọi nguồn tài liệu mình có được. Và hẳn còn xa mới tới 2 con số kỷ lục 145, 165 vừa nêu trên, nhưng cứ xin bạo phổi kể ra đây để gửi đến Quý bạn đọc phán xét đúng sai, và cũng xin được các nhà nghiên cứu đàn anh đàn chị chỉ bảo – Nhân ngày sinh cũng không biết thật giả nốt năm nay (2009) của ổng.

* * *

- Khi nhỏ ông Hồ có tên: Nguyễn Sinh Cung hay Cuông, Côông, Côn, Coong (tuỳ cách phát âm của từng người, từng vùng) 4hay Bé Con. Đậu Tiểu học năm 17 tuổi, rồi vào học đệ nhất niên (tương đương lớp 6 ngày nay) trường Quốc học Huế, người bạn cùng lớp nói khi đó ông vẫn mang tên Cung.5

- Sau khi phải thôi học do một biến cố đến với người cha, ông vào phía Nam, đến Phan Thiết và tham gia giảng dạy Quốc ngữ và Pháp văn tại trường Dục Thanh (1910) mới thấy xuất hiện tên Nguyễn Tất Thành. 6Kể cả khi làm đơn xin vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ngày “15 Septembre 1911” với lời hứa “Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp” (Je désirerais devenir utile à la France) cùng lời “thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài” ông cũng dùng tên này. 7Lá đơn này đã bị bác, làm tiêu tan ước vọng cháy bỏng của ông khi vừa bước chân đến xứ Fa-lăng-sa!

- Trên tầu xuất dương (cứu nước, hay cứu nhà? vì ông thân sinh vừa bị bãi nhiệm Tri huyện Bình Khê – Bình Định do để thuộc hạ đánh chết anh nông dân Tạ Đức Quang),8 làm bồi trên tàu Amiral Latouche-Tréville, từ ngày xuống tàu 5-6-1911 mang tên Nguyễn Văn Ba.9

- Trong thư gửi Khâm sứ Trung Kỳ để xin ban cho cha ông một việc làm và một thư khác xin Khâm sứ chuyển mandat 15 đồng bạc Đông Dương cho cha mình vì cha ông không thể nhận mandat trực tiếp được; 10ông ký Paul Thành (hay Paul Tatthanh). Ông “lắp” chữ Paul cho có vẻ... hoành tráng là mình đã vào làng Tây chăng? Cho quan Khâm sứ mủi lòng mà rủ lòng “từ bi” của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát chăng?! Xin kính mời Quý bạn đọc đọc một đoạn ngắn trong lá thư thứ nhất vừa nói của “Paul Tất Thành” để biết “khẩu khí” của “ngài Paul” hồi đó:

“Tôi cầu mong Ngài vui lòng cho cha tôi được nhận một công việc như Thừa biện ở các Bộ, hoặc là Huấn đạo hay Giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quí của Ngài.

“Với hy vọng rằng lòng tốt của Ngài sẽ không từ chối lời yêu cầu của một người con chỉ còn biết dựa vào Ngài để làm nghĩa vụ của mình, xin Ngài Khâm sứ nhận những lời chào kính cẩn của người dân con và kẻ tuỳ thuộc chịu ơn của Ngài”. Ký tên: Paul Tất Thành - New York, ngày 15 tháng 12 năm 1912

Nguyên văn tiếng Pháp: “...J’ose même désirer vous prier de bien vouloir lui accorder un emploi comme Thừa biện des Bộ ou Huấn đạo, Giáo thụ, à fin qu’il puisse se gagner sa vie sous votre haute bien veillance.

“En espérant que votre bonté ne refuserait la demande d’un enfant qui, pour remplir son devoir, n’a l’appui que vous et en attendant votre réponse, veuillez agréer, Monsieur le Resident Supérieur, les respectueuses salutations de votre filial peuple et reconnaissant serviteur. “Paul Tất Thành - New York le 15 Décembre 1912”. 11

- Khi bắt đầu quan tâm đến chính trị, mang tên Nguyễn Ái Quốc ở Pháp. “Nguyễn Ái Quốc (Nguyen le Patriote) là bút hiệu chung của bộ ba Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành. Nguyễn là dòng họ đa số tại Việt Nam và Ái Quốc là phỏng theo tên Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước (Groupe des Patriotes Annamites). Với bút hiệu này, họ đã viết những bài bình luận trên các báo của Đảng Xã Hội như Nhân Loại (L’Humanité), Dân Chúng (Le Populaire) v.v... Mặc dầu vậy, Hồ Chí Minh đã tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc”. 12

Viết về Hồ Chí Minh, khi còn là một sinh viên trẻ tại Australia, Phương Nam Đỗ Nam Hải cũng nói đến vấn đề này. Và còn nói có tới… 5 ông Nguyễn Ái Quốc kia, tạo nên “Nhóm ngũ long”, nghĩa là trong nhóm còn Nguyễn An Ninh và cả Phân Chu Trinh nữa. 13Về cái tên này, còn rất nhiều ý kiến của các tác giả khác. Nhưng do khuôn khổ bài này, người viết không thể dẫn tất cả ra ở đây được. Mong Quý bạn đọc cảm thông.

- Cũng vào thời gian đó, Hồ Chí Minh (lúc đó) còn dùng bút danh Nguyễn Ố Pháp. Vì sự quá khích nầy mà ông đã bị Jacques Doriot, người đồng đảng của ông trong Đảng Cộng Sản Pháp trách cứ.

- Tran Cheng hay Chen Vang/Wang. Với danh vị đảng viên của Đảng Cộng Sản Pháp và mang tên Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ được đảng cử đi dự Đại Hội V của Đệ Tam Quốc Tế (Komintern) và được cấp 1.000 quan làm lộ phí (vào thời đó là một số tiền lớn, một sinh viên có thể sống trong 5 tháng). Sau một thời gian ngắn tạm trú ở Đức, “Hồ Chí Minh được Mạng lưới Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) tại Berlin cung cấp cho ông giấy thông hành Nga với cái tên là Chen Vang” [để đi Mạc Tư Khoa],14 Giấy thông hành mang số 1829, đề ngày 16/06/1925 15 đóng dấu toà đại sứ Nga tại Bá Linh, ghi: Chen Wang, sinh ngày 15/01/1895 tại Đông Dương, làm nghề thợ ảnh. (Nguyên văn: Chen Wang né le 15 Janvier 1895 à Indochine, profession: photographe).

- Miguel-Al-Kvak, tên diễn giả được giới thiệu (vào ngày thứ hai) đến từ Đông Dương 16 đọc lời chào mừng Hội Nghị Nông Dân Quốc Tế lần thứ nhất, được khai mạc tại cung Andreyev trong điện Kremlin ngày 10 tháng 10, 1923. Hội nghị đánh dấu sự ra đời của "Nông Dân Quốc Tế" hay còn gọi là Krestintern. Tại cuộc họp tiền hội nghị, Hồ được bầu vào Đoàn Chủ Tịch của Nông Dân Quốc Tế gồm mười một thành viên, cùng với một người Nhật tên Ken Hayasho. Khi trở lại Pháp vào tháng 7, 1927 QTCS trong chỉ thị (dài 2 trang) ngày 12 đã chỉ định "AK" (Ai Kvak, theo cách phát âm của Nga) phải giúp kích hoạt "những nhà cách mạng dân tộc trong số những người Đông Dương lưu vong (trước tiên tại Paris rồi toàn nước Pháp) bằng cách thiết lập một đội ngũ cộng sản cốt cán trong những phần tử này... "

- Lou: “… cuối cùng Hồ Chí Minh đã đến được Quảng Châu khoảng ngày 11 tháng 11, 1924. Khi ông báo cho một người bạn tại QTCS về chuyến đi của mình, ông nói là ông đang trọ tại nhà Đồng chí Borodin với hai hoặc ba đồng chí người Trung Quốc khác. Ông cho biết địa chỉ của mình là Lou, thuộc Văn Phòng ROSTA, Quảng Châu - Cơ Quan Điện Báo Nga”,17 tiền thân của thông tấn xã Tass. Tháng 8, 1924 ông Hồ được Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản giao cho chức vụ “Uỷ Viên Ban Phương Đông”, phụ trách Cục Phương Nam coi toàn vùng Đông Nam Á. Nhưng có tài liệu khác lại nói: Trong lá thư đầu tiên gửi cho Nông Dân Quốc Tế (từ TQ), ông yêu cầu họ tiếp tục giữ tên ông trong danh sách Chủ tịch đoàn hoặc nếu họ quyết định rút tên ông ra thì nên đưa ra lý do rằng ông bị bệnh - ông không muốn mọi người biết việc ông đã đến Quảng Châu vì ông đang sống bất hợp pháp tại đây. Vậy ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là Hồ Chí Minh không được gửi đến Quảng Châu như một phụ tá trực tiếp hoặc thư ký cho Borodin như trong những giả thiết trước đây. “Riêng về phiên dịch cho Borodin (theo nghĩa toàn diện là viết và nói được tiếng Trung Quốc) thì không thể được vì chính Nguyễn Ái Quốc cho biết lúc bấy giờ anh “chỉ biết viết chứ không biết nói thứ tiếng này.”.18

- Tại Quảng Châu, "Hồ đã giả danh một nữ đảng viên Quốc Dân Đảng có tên là Loo Shing Yan để viết bài tường thuật về phong trào phụ nữ. Ông gửi kèm với một lá thư giới thiệu cho một tờ báo-thư phụ nữ. "Khi tôi còn làm việc tại QTCS", ông viết, "Tôi rất hân hạnh được hợp tác với quí báo. Hiện nay tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác. Nhưng vì tôi đang hoạt động bất hợp pháp tại đây nên tôi sẽ gửi những bài báo dưới dạng "những lá thư từ Trung Quốc", và sẽ ký tên của một phụ nữ. Tôi cho rằng việc này sẽ giúp chúng giữ được tính nguyên thuỷ và đa dạng, và đồng thời cũng để bảo đảm bí mật cho tôi." 19

- Lý Thuỵ (Li Fui hoặc Li Suoi): “Vào đầu năm 1925, Thụ 20đã tìm cách đánh động người Pháp rằng Hồ Chí Minh đã đến Trung Quốc dưới bí danh Lý Thụy”.21 Khi làm thư ký, thông ngôn cho Mikhail Borodin trưởng phái đoàn đại diện Liên Xô tại Quảng Châu. Thời gian này lấy Tăng Tuyết Minh (1926). 22Tuy nhiên, người Nga trong phái đoàn thường gọi Nguyễn bằng bí danh Nilopski (Nilovskii). Cũng để che mắt mật thám Tây Phương, ông Hồ vẫn dùng tên Lou/Lu khi làm đặc phái viên của hãng Thông Tấn Nga Rosta (tiền thân của Tass, với lương 150 đôla/tháng, cũng đồng thời là một vỏ bọc để dễ bề hoạt động).

- Về sau, khi viết cho tờ Quảng Châu Báo bằng tiếng Anh, ông Hồ lấy bút danh Vương Sơn Nhi. Đối với người Việt, ông là Vương Sơn Nhi, hay Lão Vương. (Trong Hán tự, chữ Thụy (瑞) chiết tự ra thành ba chữ Vương, Sơn, và Nhi). Trong một buổi nói chuyện, ông Hưng Đình bạn tôi bảo: Ông Hồ dùng chữ Vương cũng “ghê” đấy, liệu sau khi thành công ông có xin Thiên triều tấn phong thành Annam quốc vương không? – muốn làm vua đây. Tôi bổ sung: Các ông làm cách mạng nhiều ông cũng nhiều “mơ mộng” lắm, chẳng hạn ông Hạ Bá Cang người Đáp Cầu, Bắc Ninh thì lấy bí danh là Hoàng Quốc Việt – vua nước Việt! Bạn tôi nói cũng chẳng có chi là quá đâu. Xin mời Quý bạn đọc đọc lại một bài thơ của ổng: “Trong tù khoan khoái giấc ban trưa / Một giấc miên man liền mấy giờ / Mơ thấy cưỡi rồng trên thượng giới / Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ”.23 Giấc mơ “Cưỡi rồng” – làm Vua ám ảnh ông cả trong giấc ngủ ngày thì kinh khủng thật! Có lẽ đây cũng có thể là một minh chứng cho lòng dạ sắt đá của ông khi ông quyết đưa nền chuyên chính vô sản vào Việt Nam mà hệ lụy của nó đã quá rõ ràng thiết nghĩ người viết không cần phải kể lể ra đây.

Tên Vương được dùng lại khi Hồ về lại Việt Nam hoạt động sau khi rời khỏi Trung Quốc sau này. Có một điều lạ: “Cậu Công gặp lại cha ở một địa điểm kín ở Gia Định, trong một buổi, trước khi cậu xuống tàu đi xa. Dặn dò con xong ông Huy lặn sâu vào giữa vùng Đồng Tháp Mười, chẳng để lại dấu vết nào với người đời, rằng mình đã từng là một Phó bảng thứ thiệt, là ông Huyện Bình Khê…”; “…Ông Nguyễn Sinh Huy lặn lội đến vùng Cao Lãnh ngày nay thì dừng lại, ở nhờ một ngôi chùa. Nơi đây ông giấu biệt tông tích của mình, tự xưng là Cụ Vương, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh.” 24. Hai cha con 2 chân trời xa lắc cùng… xưng Vương! Có gì ẩn ý hay chỉ là môt sự trùng lặp ngẫu nhiên?

Khi viết cho tờ Quảng Châu Báo, ông còn dùng bút danh Trương Nhược Trừng.

- Lee: “Vào ngày 3 tháng 3 1927 Doriot, Hồ (ký tên là Lee) và Volin đại diện cho nhóm cố vấn Nga, đã thảo ra một bản ghi nhớ trong đó đồng ý cho "Lee" đệ trình một yêu cầu ngân sách cho QTCS, trong khi đó Doriot sẽ thảo Luận Cương cho Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đảng cùng với nghị quyết hoạch định những công việc tương lai của tổ chức này.” Và, “Hồ đệ trình ngân sách của năm cho QTCS với tổng số là 40.000 đồng tiền Trung Quốc. Một nửa số tiền này sẽ dùng để trang trải chi phí đi lại và đào tạo tại Quảng Châu cho 100 học viên tương lai. Ngoài ra ông còn yêu cầu 1.500 đồng cho 10 tuyên truyền viên làm việc toàn thời gian trong một năm. Chi phí xuất bản, thông tin, thành lập một cửa tiệm nhỏ để làm vỏ bọc cho việc liên lạc chiếm hết 8.500 đồng. Chi phí vận chuyển 100 học viên khác đến học tại Hoàng Phố tốn khoảng 5.000 đồng nữa. Theo giải thích của Hồ trong ghi chú đính kèm thì Hoàng Phố đã hứa đào tạo 100 người này nếu chi phí đi lại của họ được lo liệu. 5.000 đồng còn lại được dự trữ cho những trường hợp bệnh tật hoặc cấp bách.” 25Vậy sự “nhận tiền của nước ngoài” của ông Hồ như thế này thì lãnh đạo Bộ Công an VN hiện nay kết luận sao đây về ổng? Có phải đưa tên ông lên báo An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Công an nhân dân… hay không?

- Vương Đạt Nhân, tên dùng trong một báo cáo trước đại hội đại biểu toàn quốc kỳ 2 Trung Quốc Quốc Dân Đảng về vấn đề giáo dục.26 (Lúc đó chức vụ công khai của Hồ là thông dịch viên của ông Michael Borodin, cố vấn Nga bên cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng của bác sĩ Tôn Dật Tiên).

- Với tên giả là Đào Cửu, Nguyễn Tất Thành xuất hiện lần đầu tiên tại vùng trung Xiêm La (Thái Lan) vào Thu năm 1928. Tại đây, công việc của ông lúc đầu gặp rất nhiều trở ngại, “chẳng hạn như bị mật thám theo dõi đến nỗi phải tạm thời cắt tóc… đi tu!”.27 “Chúng ta biết thêm được hình ảnh “gầy gò” của Nguyễn – dưới bí danh Thầu Chín – bất ngờ xuất hiện ở Phi Chít (Trung bộ nước Xiêm ) rồi đi về Odon (Đông Bắc Xiêm) trong những buổi đọc báo, học tiếng Xiêm, lập tủ thuốc, diễn kịch (bài ca Đức Thánh Trần…) cuốc đất, vác gạch, dịch sách (ABC Cộng sản, Nhân loại tiến hoá sử)… hoà mình với quần chúng để vận động”.28. Và, vì cửu = chín (9) nên có người nói tên ông lúc đó là Thầu Chín, hoặc Cha Chính. Chi Bộ Đảng Cộng Sản Xiêm thành lập tháng 4/1930 với phần đông là người Việt và Hoa. Đây là 1 công trạng của Hồ đối với với Đệ Tam Quốc Tế.

- Trong khi ở Xiêm, Hồ Chí Minh còn dùng một tên giả khác là Mai Pín Thầu.

- Tháng giêng 1930, Nguyễn Tất Thành về lại Hương Cảng, với tên Victor Nguyễn Ái Quốc,29 hay đơn giản hơn là Victor, nhận nhiệm vụ của Cục Phương Đông thống nhất 3 đảng cộng sản Đông Dương với những cương lĩnh mới, nhưng vẫn duy trì quyết nghị của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội trong đại hội năm 1929 là dốc toàn lực chống lại Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng mọi cách.

(Xin xem tiếp Kỳ 2/2)

Nguyễn Hữu – Hà Nội 19/5/2009


1 http://www.x-cafevn.org/forum/archive/index.php/index.php?t-6090.html

2 Lễ tế cờ của Hồ Chí Minh, Viết tại Sydney, Úc Châu Mùa Xuân 2007, Nhóm Tâm Việt Sydney

3 Chân dung Bác Hồ, Song Nguyễn, http://www.ledinh.sitesled.com/Bai%20Le%20Dinh%20Song%20Nguyen.html

4 Hồ Chí Minh học Quốc học khi mô?, Hoàng Long Hải, http://www.hungviet.org/hoanglonghai/hoanglonghai1104.html

5 Hồ Chí Minh Và Hội Tam điểm hay Hồ Chí Minh con người xảo trá, Trần Gia Phụng, http://www.hungviet.org/trangiaphung/trangiaphung210607.html

6 như trên

7 http://www.hungviet.org/hcm/xinhoc.html

8 Góp ý với sử gia William J. Duiker về cuộc đời Hồ Chí Minh, Trần Viết Đại Hưng, http://www.hungviet.org/tranvietdaihung/tranvietdaihung140304.html

9 Huyền thoại về một người ra đi tìm đường cứu nước, Trần Gia Phụng - Toronto, Canada, http://phanchautrinhdanang.org/literature.html; hay chính “tác phẩm” được coi là tự truyện của ông: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chú tịch, Trần Dân Tiên,

10 Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Lữ Phương, Chương 1, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9090&rb=08

11 Lịch sử chọn đường vòng, Bùi Tín, http://vantuyen.net/ind

Về những cái tên của ông Hồ trong từng thời kỳ (Kỳ 2/2)

Nguyễn Hữu

- Từ 1930 đến đầu năm 1933, tại các vùng Thượng Hải, Hương Cảng, Cửu Long, Hạ Môn Nguyễn Tất Thành vẫn dùng tên Lão Vương, nhưng khi bị bắt ở Thượng Hải thì ông khai là Tống Văn Sơ (Sung Man-ch’o) hay Đoàn Văn Sơ. Nhà cầm quyền Anh đã giữ được một giấy thông hành (nhận từ Singapore) có hình của Hồ, mang tên Sung Man Ch’o khi họ bắt giữ ông vào tháng 6, 1931. Vụ này, "nhà sử học Pháp Daniel Hemery (là người đã khám phá ra lá thư bằng chữ Hán mà Hồ Chí Minh gửi cho người vợ Tàu Tăng tuyết Minh), trong trang 143 của cuốn sách "Ho Chi Minh: de l’Indochine au Vietnam" do nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 1990 cho biết là vào ngày 1 tháng 6 năm 1931, Cảnh sát Anh tại Singapore bắt được một nhân viên người Pháp của Quốc tế Cộng sản (Comintern) tên Joseph Ducroux (bí danh Serge Lefranc). Từ chuyện bắt bớ này, họ truy ra một nhân viên Quốc tế Cộng sản khác. Vào 2 giờ sáng ngày 6 tháng 6 năm 1931, Cảnh sát Hồng Kông tới số nhà 186 đường Tam Kaw, Cửu Long (Kowloon) để bắt một người đàn ông tên Sung Man Ch’o sống với một người đàn bà trẻ tên Ly Ung Thuan, đó là người đàn bà mà người đàn ông cho là cháu của ông ta. Cuối cùng thì cuộc điều tra cho biết Ly Ung Thuan không phải là người Tàu mà là người Việt tên Le Thi Tam, vợ của Hồ Tùng Mậu, là người dưới tay của Hồ." 30

- Sau khi bị xử tại Toà án Hồng Kông, cuối năm 1931 ông Hồ được chuyển vào bệnh viện vì bệnh lao phổi. Vào mùa hè 1932 tin tức báo chí về "một người Việt Nam nhỏ bé, có thân thể bị suy nhược vì lao lực và tinh thần của một lãnh tụ" bắt đầu xuất hiện. Sau này truyền thông cộng sản đã loan báo rằng Hồ đã chết vì lao phổi vào tháng 8, 1932. Nhưng người Pháp đã không tin vào những báo cáo này. Lãnh sự quán của họ tại Hồng Kông đã cập nhật cho nhà cầm quyền tại Hà Nội những bước đi của Hồ trong nỗ lực rời khỏi mảnh đất thuộc địa của Anh. Lung.31

- Một chỉ điểm cho Pháp tại Thái Lan nói rằng Hồ Chí Minh đã lẩn trốn tại khu vực Nakhon Phanom từ đầu tháng 1, 1933, nhưng sau này được tiết lộ là nhầm người. Vào tháng 9, 1933 một chỉ điểm cho Pháp khác nói rằng đã phát hiện Hồ đang sống tại Nam Ninh (Nan Ning - ND) cùng với một nhóm nhỏ người Việt. Mật vụ "Maria" nói rằng trong số 4 người Việt Nam đang sống tại số 78 đường Cau Song Kai có một người giống với ảnh chụp Hồ Chí Minh. Người chỉ điểm này cũng nhắc đến 3 phụ nữ cùng với hai bé gái và một bé trai cũng đang sống chung trong ngôi nhà này. Hồ được cho là đang dùng tên Lý Sính Sáng (ngài Lý). 32

- Không có thông tin gì về việc ông đã sống như thế nào trong giai đoạn giữa mùa thu 1933 cho đến những tháng đầu của năm 1934. Rồi người ta thấy ông xuất hiện ở Mạc Tư Khoa. Ngày 16-9-1934, ông nhập học khóa tình báo ngắn hạng 6 tháng của KGB với tư cách là học viên nội trú của đại học Lênin, mang tên giả là Linov với bí số 375. Sau đó theo học tại Đại Học Lenin vào tháng 10.33

- Rồi tại học viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Thuộc Địa, ông lãnh đạo tiểu tổ các học sinh Việt Nam và dùng tên giả là Lin. “Ba đại biểu người Việt là Lê Hồng Phong, thành viên chủ chốt của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại; một thành viên dân tộc Tày tên là Hoàng Văn Nọn; và Nguyễn Thị Minh Khai, được nhắc đến trong bức thư của Hà Huy Tập gửi cho QTCS là "vợ của Quốc". Hồ cũng được phân công làm đại biểu đại hội từ hội nghị ĐCS Đông Dương họp vào tháng 3, 1935. Trong bản khai lý lịch mà Minh Khai đã điền sau khi đến nơi, bà viết rằng bà đã lập gia đình và cho biết tên của chồng mình là "Lin", bí danh mới nhất của Hồ”. 34Tuy nhiên hồ sơ vào học tại trường Lênin Hồ không khai chuyện này. Hà Huy Tập cũng đã tố cáo Trần Văn Giàu và Hồ Chí Minh trong báo cáo gửi Đệ Tam Quốc Tế nên thời gian đại hội 7 có lẽ Hồ Chí Minh mất tín nhiệm thê thảm nhất, và kết luận: “Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin phải đích thân viết một cuốn sách nhỏ tự phê chính mình và những sai sót đã qua.”. Hà Huy Tập cáo buộc Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về hàng trăm đảng viên bị bắt... (như phần đông các tác giả trước đã viết) và còn cho biết Hà Huy Tập quả quyết chính tổng bí thư cộng đảng Xiêm, từng theo chân Hồ cũng nói trước 1930 Hồ không phải là cộng sản. Theo tác giả, Hồ đã bị điều tra bởi bộ ba gồm Manuilsky, Kang Cheng và Vera Vasilieva. Manuilsky trung lập, Kang Cheng (Khang Sinh) đòi hành quyết, còn Vera thì bênh, viện lẽ Hồ sai lầm chỉ vì thiếu kinh nghiệm.35 Và “Trong một danh sách đại biểu Đại Hội, vì tính chất bắt buộc của nó, ai đó đã viết "cần phải loại bỏ" bên cạnh tên của Hồ”36

- Teng Man Huon: đại biểu của Đông Phương Bộ Quốc Tế Cộng Sản tham gia Đại Hội Quốc Tế Thanh Niên lần 6 khai mạc tại trụ sở công đoàn Liên Xô, Mạc Tư Khoa ngày 25-9-1935 là Hồ Chí Minh, Minh Khai và Tú Hưu tức Hoàng Văn Nọn. Tài liệu ghi rõ tên trong Đảng của Hồ Chí Minh lúc đó là Teng Man Huon, còn tên trong Đại Hội là Lin.

- Nguyễn Tất Thành rời Mạc Tư Khoa về lại Trung Quốc vào cuối năm 1938. Cho đến tháng 2-1941, ông hoạt động tại vùng Diên An, Hành Dương, Quế Lâm, Long Châu, Quí Dương, Trùng Khánh, Côn Minh, Tĩnh Tây và dùng các tên giả và bút danh là: P.C.Lin (có tài liệu nói thêm là Kwilin, Đường Lối), có khi chỉ đơn gian là ký là L; Hồ Quang (Hu Kwang, thiếu tá Bát lộ quân), Lão Trần, Hoàng Quốc Tuấn. 37

Dụng bút danh P.C.Lin để viết bài gởi về Hà Nội đăng trong báo Notre Voix (Tiếng Nói của Chúng Ta) của Mặt Trận Dân Chủ (của ĐCSĐD) do Võ Nguyên Giáp phụ trách. "Những bài viết này mang bút hiệu "Kwilin" và ký tên là "Đường Lối", với hy vọng rằng các đồng chí lãnh đạo trong đảng sẽ đoán được tác giả là ai và đang ở đâu. Nhưng hy vọng này vẫn chưa thành sự thật," Hồ viết. Ông đã thiết lập được những mối liên hệ tốt đẹp với vị chủ bút (Võ Nguyên Giáp), người này vẫn cho rằng ông là một nhà báo người Trung Quốc. Mãi cho đến cuối tháng 7, 1939, ông nói, ông mới có thể gửi địa chỉ của mình cũng như những chỉ thị của QTCS đến Uỷ Ban Trung Ương qua một người bạn và vị chủ bút của tờ Notre Voix. Tên giả Hồ Quang, với cấp bực thiếu tá, được dùng lúc công tác tại văn phòng (trạm liên lạc) của Lộ Quân 8 (thường gọi Bát lộ quân) Trung Cộng ở Quí Dương (tỉnh lị của tỉnh Quí Châu) vào năm 1938. Với bí danh là ông Trần, Hồ Chí Minh đến Côn Minh do tổ chức liên lạc của Trung Cộng tại địa phương. Với tên giả Hoàng Quốc Tuấn để đảm trách chức chủ tịch Việt Nam Dân Tộc Giải Phóng Ủy Viên Hội tại Tĩnh Tây mà 2 cán bộ chính là Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) với chủ trương Thân Hoa Kháng Nhật. 38

- Phong: Bùi San, một đại biểu Trung kỳ được tiến cử vào Hội nghị 8 (ĐCSĐD) sau này đã bị người Pháp bắt và đã khai với Sở Liêm Phóng rằng ông đã gặp Phan Đăng Lưu tại Vinh vào cuối năm 1940. Bùi San cũng đã khai với người Pháp rằng một người tên Phong (được nhận diện là Hồ) đã là chủ toạ của phiên họp Uỷ Ban Trung Ương (tức Hội nghị 8 vào đầu 1941 tại Tĩnh Tây), trong khi đó "Mạnh" (được nhận diện là Hoàng Quốc Việt) làm thư ký, "Xuyên" hay Đặng Xuân Khu, sau này trở thành Trường Chinh, đã báo cáo những hoạt động tại các tỉnh Thái Bình và Hà Đông. Đặng Xuân Khu đã được phê chuẩn làm Tổng Bí Thư ĐCS Đông Dương tại hội nghị này. Khi "Phong" phát biểu trên cương vị đại diện của Chi Bộ Hải Ngoại, ông đã phê bình hoạt động trong quốc nội. v.v… 39

- Tháng 2/1941, HCM rời Tĩnh Tây về căn cứ Pác Bó ở Cao Bằng. Lúc đó ông đã có một số cán bộ nhờ mưu lược lợi dụng tổ chức của Trương Bội Công khi hoạt động tại TQ trong giai đoạn Thân Hoa Kháng Nhật. Trong thời gian này, HCM hoạt động khắp vùng rừng núi Việt Bắc với các tên giả Sáu Sán, “Chú Thu” (tức Già Thu), “Ong Ké” (2 cái tên theo lời bà Nông Thị Ngát/Trưng – người được cho là thân mẫu của đương kim tổng bí thư Nông Đức Mạnh? – trong bài viết Cô học trò nhỏ của bác Hồ, tác giả Thiên Lý, báo Phụ nữ, Xuân Đinh Sửu - 1997). Như vậy là từ cái tên của ông Hồ người viết đã… lan man đến ông Mạnh!? Nhân tiện cũng xin hầu Quý bạn đọc một điều sau đây:

Ông Hồ thì nay ai cũng biết đích thuộc dòng Hồ Sĩ ở Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An rồi.40 “Cũng với khoảng thời gian chưa xa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi trò chuyện thân mật với một số con cháu họ Hồ.” 41Quý bạn đọc nghĩ sao về mối liên hệ “cô học trò nhỏ” Trưng – Chú Thu; bà Trưng – Nông Đức Mạnh; Nông Đức Mạnh – “thân mật với một số con cháu họ Hồ”; và họ Hồ là họ thật của ông Hồ? Quý bạn đọc nghĩ gì nữa khi tác giả Trường Lam viết tiếp: “Chắc rằng mọi chuyện vẫn chưa phải đã hết. Còn có những điều sâu kín, dài dài, chưa thể nói ra, nhưng cũng rất con người, đang ở sân sau…” ?

- Khi HCM trở lại sang Trung Quốc và bị bắt vì bị tình nghi là gián điệp của Nhật. (Lần này, ông được Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh bảo lãnh nên tướng Trương Phát Khuê mới trả tự do cho ông.) Khi được thả, nhờ khả năng tình báo do KGB đào luyện, HCM được tướng Trương Phát Khuê tin dùng và cho phục vụ trong tình báo Trung Hoa qua Bộ Tư Lệnh Đệ Tứ Chiến Khu ở Hoa Nam. Rồi từ tình báo của Trung Hoa, vào đầu năm 1945 ông bắt liên lạc với tình báo Huê Kỳ do Charles Fenn và thiếu tá Archimedes Patti, đặc vụ phụ trách chiến trường Đông Dương của OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của CIA, cơ quan Trung Ương Tình Báo Huê Kỳ. Ông trở thành một trong 25 điệp viên của Charles Fenn với bí danh Lucius,42 Nhân viên số 19 (hay 9?). Ông được Charles Fenn cung cấp cho 6 khẩu súng lục 38 cùng với 120 băng đạn.

- Cuối cùng là Hồ Chí Minh. Theo Sophie Quinn-Judge, thì tên này được dùng từ cuối năm 1940, khi ông Hồ vẫn còn ở bên Tầu: “Họ [Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh và Cao Hồng Lãnh] khuyên Hồ rằng ông nên đến Trịnh Tây cùng với họ. Khi Hồ đi về phía nam cùng với Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên và Hoàng Văn Hoan, ông đã đem theo 3 thẻ căn cước, đều được làm trong năm 1940. Theo lời kể của Trương Phát Khuê, những giấy này chứng nhận ông là (1) thành viên của Hội Phóng Viên Thanh Niên Trung Quốc; và (2) Phóng Viên Đặc Biệt của Dịch Vụ Tin Tức Quốc Tế; tấm căn cước thứ ba là Giấy Phép Đi Lại của Nhân Viên thuộc Bộ Chỉ Huy Đệ Tứ Chiến Khu. Tất cả các giấy tờ trên đều mang tên "Hồ Chí Minh".”43

Cho đến ngày 19-8-1945, khi Đảng Cộng Sản cướp chính quyền ở Hà Nội, thì toàn quốc không ai biết nhân vật Hồ Chí Minh là ai! Chính Cựu Hoàng Bảo Đại lúc đó ở Huế cũng không biết, ngài bèn hỏi Phạm Khắc Hoè. Ô. Hoè cũng không biết, bèn đi hỏi Tôn Quang Phiệt và Đào Duy Anh, thì cả 2 cũng không biết. Vào lúc đó, Vũ Văn Hiền vừa từ Hà Nội về mới cho biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Khi Cựu Hoàng biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì Cựu Hoàng mới nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là Thánh Nguyễn Ái Quốc, thì trẫm sẵn sàng thoái vị ngay”.44 Sau khi làm “cố vấn” cho Hồ Chí Minh, Bảo Đại “thoát” được tới Hồng Kông. Trong một buổi tiếp Trần Trong Kim từ trong nước sang vào đầu tháng 8, 1946, ông đã nói với cụ Trần “lời đầu tiên” (sic): “Chúng mình già trẻ [đều] mắc lừa bọn du côn” 45 – Có lẽ chỉ sau ít tháng… làm việc bên… “Thánh Nguyễn Ái Quốc”, Cựu hoàng mới/đã nhìn ra chân tướng của người CS.

Còn cái tên Hồ Chí Minh? “Trong quyển Anh Thư Nước Việt Từ Lập Quốc Đến Hiện Đại, tác giả Phương Lan viết về một vị anh thư tham gia cách mạng vào đầu thế kỷ 20 là bà Ngô Thị Khôn Nghi như sau (trang 238): “Bà Ngô Thị Khôn Nghi, con gái cụ Ngô Quảng, một nhà Tiền bối cách mạng, một tướng lãnh xuất sắc trong nghĩa quân Cần Vương và Quang Phục ở làng Tam Đa, tổng Vạn Trình, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bao phen vào sanh ra tử, qua nhiều lần thất bại, cụ Ngô Quảng phải bôn tẩu qua Xiêm rồi thất lộc ở đó. Cụ qua Xiêm đặng một năm, thì cụ có được hai người con, một trai một gái. Chị gái tức là Khôn Nghi, em trai tên Ngô Chính Học, được đoàn thể cách mạng đem sang Tàu cả hai”.46

Trong sách đã dẫn, tác giả cẩn thận đặt một phụ đề là Ngô Thị Khôn Nghi Vợ Cụ Hồ Chí Minh Thật và viết tiếp: “Bà Khôn Nghi qua Tàu cũng vào trường học, sau đó kết duyên cùng cụ Hồ Học Lãm. Bao nhiêu năm cụ Lãm hoạt động cách mạng Việt Nam, ở Tàu bao nhiêu năm thì bà Khôn Nghi cùng hoạt động cách mạng ở bên cạnh chồng và nhiều đồng chí khác. Nhóm làm cách mạng Việt Nam ở Tàu, không ai không biết gia đình này, từ người quốc gia cho tới người Cộng sản.”.47

Vậy Hồ Chí Minh thật là Hồ Học Lãm! – cháu Án Sát Hồ Bá Ôn, 48đã hy sinh năm 1883 trong chiến đấu khi Pháp đánh thành Nam Định. Hồ Học Lãm tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân do Phan Bội Châu lãnh đạo, sang Nhật du học rồi trở về Tàu, gia nhập Quân đội Trung Hoa QDĐ, mang quân hàm trung tá, sáng lập viên của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (1936) – gọi tắt là Việt Minh. “Việc ông Hồ Học Lãm đứng ra lập Việt Minh là một việc có tác dụng rất quan trọng…” 49; “Ông không phải là cộng sản, điều này Quốc Dân Đảng Trung Quốc biết rõ trăm phần trăm. Ông đứng ra lập Việt Minh trong lúc này đối với chúng ta mà nói là một sự che chở rất có hiệu lực.” 5050 Khi Hồ Học Lãm qua đời (1942), Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Lý Thụy (gia nhập tổ chức của cụ Lãm trước đó) đã xử dụng 3 chứng minh thư của Hồ Học Lãm mang tên Hồ Chí Minh để che dấu tông tích cộng sản của mình, để tiện việc di chuyển trên đất Tàu và xài luôn tên Hồ Chí Minh (vì vào lúc đó, Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã từ bỏ chính sách Liên Nga Dung Cộng nên không chấp nhận cộng sản). Tại sao lại là 3 cái chứng minh thư? Có phải đây là 3 cái chứng minh thư mang tên Hồ Chí Minh có ghi chức danh đàng hoàng ông mang theo mình khi “Họ [Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh và Cao Hồng Lãnh] khuyên Hồ rằng ông nên đến Trịnh Tây cùng với họ” đã nói ở trên không? Thật khó mà khác biệt!

Vậy là sau khi thuổng tên chung (Nguyễn Ái Quốc) của nhóm, nay “bác kính yêu” lại thuổng tên riêng (Hồ Chí Minh) của một người cho riêng mình!

Lại có một tin nữa: “Theo ông Vũ Hồng Khanh, Bác đã mua hay “thuổng” 1 căn cước của 1 người ăn mày có tên là Hồ Chí Minh và xử dụng căn cước này khi bị bắt”.51 Vậy điều ông Vũ Hồng Khanh nói có đúng như cha tôi (cụ Ng. Văn T. – Nguyễn Hữu chú) thì một lần bị lùng sục, N.A.Q. trốn tránh trong một bệnh viện, và đã tráo giấy tờ thùy thân cho một người tên Hồ Chí Minh đã chết, và với tên H.C.M. ông đã thoát được ra ngoài. Từ đó mang tên Hồ Chí Minh. (Độ chính xác bao nhiêu tôi không dám bảo đảm, chỉ xin nêu để bạn đọc cùng tham khảo).

- Cùng bút danh: T.Lan, Nghe Lỏm (?), Trần Lực, CB, Lê Nhân đã dùng để viết bài... ca ngợi “Bác” “tài ba, sáng suốt”... và để “giải thích thêm cho thật rõ” những “lời dạy dỗ của Hồ Chủ tịch” mà chính “Bác” và Vương Sơn Nhi, Trương Nhược Trừng, P.C.Lin v.v… khi ở Nga, ở Trung Quốc đã viết như nói ở trên.

Và đặc biệt hơn hết, không thể không nói đến cái bút danh: Trần Dân Tiên (1948). Ngày nay thì ai ai trên thế giới này, người chỉ quan tâm “sơ sơ” đến chính trị một chút cũng biết Trần Dân Tiên là “một nhà báo cộng sản số một” của ĐCSVN, nhưng lại… không có tên trong danh sách Hội Nhà báo hoặc Hội Nhà văn Việt Nam (!); người đã từng viết trong “kiệt tác” của mình rất nhiều câu “cực kỳ khiêm tốn”, trong đó có câu: “Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức tính khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?”; 52 lại chính là… “Người”!53 Ô hô!

- Dùng lại tên Nguyễn Tất Thành! Đúng, đó là cuối năm 1956, khi nàng “cung tần” người Tày (hay Nùng?) Nông Thị Xuân (được Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu Cần tìm được từ vùng người Nùng Cao Bằng đưa về Phủ Chủ tịch tại HN để “phục vụ Bác”) sinh cho ông một đứa con trai, ông liền đặt tên cho con là Nguyễn Tất Trung.54 Qua cách đặt tên con như vậy, hiển nhiên ông nhìn nhận liên hệ phụ tử. Này nhé: cha là Nguyễn Tất Thành thì con là Nguyễn Tất Trung. Trong Tình Tự Dân Tộc, tên hai cha con hợp lại là Thành Trung / Trung Thành; thật có ý nghĩa, thật đẹp vô cùng! Nhưng cũng thật… bất hạnh vô cùng vì đứa con đó chưa một lần được công khai nhận cha! Có lẽ đây là một trong “Mười điều bất hạnh của bác Hồ” 55 mà ông Hoàng Tùng không dám “dũng cảm” (hay không nỡ?) kể ra trong bài viết của mình?!

- Nghe nói ông Hồ còn bút hiệu hay bí danh là Yên Sơn, Vương Chí Sơn nhưng kẻ viết chưa biết ổng dùng trong giai đoàn nào? ở đâu? Mong được Quý bạn đọc vui lòng chỉ dẫn nếu hay.

Nguyễn Hữu – Hà Nội 19/5/2009


30 Bí ẩn tù tội của Hồ Chí Minh ở Hồng Kông (1931-1932), Trần Viết Đại Hưng http://www.hungviet.org/tranvietdaihung/tranvietdaihung1004_2.html

31 Sophie Quinn-Judge, sđd, Chương 6. http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=8991&page=4

32 như trên

33 như trên

34 như trên

35 như trên

36 như trên

37 Nhóm Tâm Viêt Sydney, bđd

38 Sophie Quinn-Judge, sđd, Chương 7, http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=8991&page=4

39 như trên

40 Chuyện ở sân sau: Về ông nội và người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Lam http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10781&rb=0302 hoặc Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (Kinh nghiệm điền dã, in trong quyển Trong Cõi, NXB Trăm Hoa, California, 1993), Trần Quốc Vượng http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2005/08/050808_trongcoi.shtml

41 Trường Lam, bđd

42 Góp ý với sử gia William J. Duiker về cuộc đời Hồ Chí Minh, Trần Viết Dại Hưng http://www.hungviet.org/tranvietdaihung/tranvietdaihung140304.html

43 như trên

44 Bài của Phạm Khắc Hòe, viết chung trong tập Chín Chúa Mười Ba Vua, tác giả Tôn Thất Bình, trang 158

45 Một cơn gió bụi, Lệ Thần Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Sơn, 1969 – Sàigòn, tr.146

46 Nhóm Tâm Việt Sydney, bđd

47 như trên

48 Giọt nước trong biển cả, Hoàng Văn Hoan, nxb Tin Việt Nam (TQ), 09/1989, tr.88

49 Hoàng Văn Hoan, sđd, tr.105

50 Hoàng Văn Hoan, sđd, tr.105

51 Song Nguyễn, bđd, http://www.ledinh.sitesled.com/Bai%20Le%20Dinh%20Song%20Nguyen.html

52 Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên, Nhà xuất bản Sự thật – Hà Nội 1975, trang 9.

53 Những tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Minh Đức, tr.132, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1985

54 Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên.

55 Những kỷ niệm về Bác Hồ, Hoàng Tùng http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=6185 nguồn : http://www.hungviet.org/nguyenhuu/nguyenhuu190509-2.html

Lưu trữ Blog

Người theo dõi