5 thg 6, 2009

06.6.09 Thông tin gì cho vụ bauxite?

Công trường dự án Nhân Cơ (ảnh Tuổi Trẻ)

Việt Nam dường như quyết tâm tiến hành khai thác bauxite bất chấp phản đối

Một trí thức Việt Kiều có tiếng đã kêu gọi đẩy mạnh phổ biến thông tin về các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam tới đông đảo người dân và không né tránh ''tham vọng bành trướng của Trung Quốc'' để không thua trong việc phản đối các dự án bauxite ở Tây Nguyên và Lâm Đồng.

Trong thư dài bảy trang về dự án bauxite, Giáo sư Lê Xuân Khoa nói chính Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người đầu tiên khởi động phong trào trí thức phản đối khai thác bauxite đã thừa nhận ''cầm chắc phần thua''.

Ông Khoa, nguyên Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Johns Hopkins và tác giả một số sách về Việt Nam, viết: ''Nếu chỉ kêu gọi thêm ý kiến phản biện thì thế nào cũng thua...

''Tôi không 'hàng ngày gắn với thực tiễn đất nước' nên khó có thể góp ý ...ngoài đề nghị thực tế là, bằng mọi cách, phải phố biến thông tin cần thiết về dự án bô-xít thật mau chóng và sâu rộng mà không cần khích động tới mọi giới...nhất là mọi thành phần trong quân đội nhân dân...''

Giả thử Trung Quốc là một nước dân chủ, tôn trọng chủ quyền và đối xử bình đẳng với Việt Nam...thì nhất định chúng ta sẽ ủng hộ hết lòng.

Giáo sư Lê Xuân Khoa

Ông Khoa cũng nói người Việt ở ngoài nước nên hiểu những người có tiếng nói ngược lại với chính quyền trong nước luôn bị 'theo dõi', 'đe dọa' và họ không thể nói như người bên ngoài mong muốn.

Ông nói người Việt ở nước ngoài có thể giúp đề cập tới vấn đề mà các kiến nghị trong nước thường né tránh.

Các thư phản đối ở Việt Nam từ trước tới nay chỉ nói chung chung tới vấn đề an ninh quốc gia và tập trung vào vấn đề hủy hoại môi trường mà các dự án bauxite có thể gây ra cho Tây Nguyên và các vùng khác.

Theo ông Khoa, một trong những vấn đè chính là ''mối lo ngại về tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cụ thể là mưu đồ của giới lãnh đạo nước này muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc.''

Ủng hộ hết lòng

Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng nói ông ủng hộ lời kêu gọi của một số trí thức về chuyện phân biệt giữa chính quyền Trung Quốc và người dân nước này.

Ông đồng ý với các trí thức tại Việt Nam rằng cần kêu gọi trí thức Trung Quốc, nhất là trí thức người Hoa ở nước ngoài, ủng hộ cuộc đấu tranh của trí thức Việt Nam.

Giáo sư Khoa nói: ''Chúng ta không chống lại sự phục hồi niềm tự hào và danh dự của dân tộc Trung Hoa do những hành động xâm lăng và hạ nhục trong quá khứ của những nước Tây phương và Nhật Bản.

''Chúng ta cũng không chống lại những cố gắng tranh thủ vị trí siêu cường của Trung Quốc, nhưng chúng ta...chống lại những nỗ lực này chỉ vì Trung Quốc là một nhà nước độc tài toàn trị có tham vọng bá quyền trong khu vực và toàn cầu.

''Giả thử Trung Quốc là một nước dân chủ, tôn trọng chủ quyền và đối xử bình đẳng với Việt Nam...thì nhất định chúng ta sẽ ủng hộ hết lòng.''

'Môi trường sống'

Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy các nhà đầu tư chỉ tính toán lợi nhuận mà không quan tâm đủ đến tác động của việc sản xuất trên môi trường sống của con người.

Hồng Y Phạm Minh Mẫn

Trong khi đó Hồng Y Công giáo Phạm Minh Mẫn của Việt Nam mấy ngày qua cũng đã lên tiếng phản đối các dự án bauxite ở Tây Nguyên và Lâm Đồng.

Trong một thư gửi các con chiên, Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết:

''Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Ðấng Tạo Hóa và là tài nguyên dành cho hết mọi người. Không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra, môi trường đó đã có rồi."

"Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai."

"Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy các nhà đầu tư chỉ tính toán lợi nhuận mà không quan tâm đủ đến tác động của việc sản xuất trên môi trường sống của con người.''

Chính quyền Việt Nam dường như đã quyết định vẫn tiếp tục các dự án khai thác bauxite bất chấp sự phản đối từ nhiều giới và từ những người có uy tín trong xã hội như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các thông tin chưa được kiếm chứng nói rằng chính Trung Quốc đã phải đóng cửa hàng trăm mỏ khai thác bauxite ở nước này vì quan ngại môi trường.

nguồn : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090605_bauxite_chances.shtml

Lưu trữ Blog

Người theo dõi