11 thg 6, 2009

11.0.09 KHÁT GIÁO DỤC... NGUYỄN VĂN LỤC

Vài ý nghĩ về giáo dục miền Nam trước 1975 Nhân có dịp gặp một người bạn từ trong nước ra thăm nước ngoài, chúng tôi đã có dịp thảo luận đủ thứ về hiện trạng Việt Nam. Trong câu chuyện, chúng tôi đã đi đến một nhận xét chung là: Việt Nam hiện nay “khát” nhiều thứ quá. Khát dân chủ, khát công lý, khát tự do, khát đạo đức, khát cơm áo, ngay cả “khát nước ngọt của đồng bằng sông Cửu Long.” (Do việc Trung Quốc cho xây nhiều đập ở thượng nguồn mà có những đập cao đến 292 mét. Dòng sông bị chia cắt vụn ra do những hệ thống đập này.) Trong những lần nói chuyện như thế, người bạn đã đưa ra một nhận xét chung cuộc, dứt khoát và thẳng thừng, “Cậu cứ nhìn việc học và thi cử trước 1975 cho thấy miền Nam có hơn 80 lần tổ chức thi tú tài một và hai. Không kể đến các kỳ thi tiểu học, trung học đệ nhấp cấp, thi tuyển vào các trường chuyên môn đủ loại, các trường đại học và các kỳ thi mỗi năm và thi tốt nghiệp đại học.” Đã có bao nhiêu xì căng đan xảy ra? Mấy lần? Trong khi đó kể từ 1975 đến nay, nhà nước cộng sản chưa một lần nào tổ chức nổi một kỳ thi tốt nghiệp trung học cho hoàn chỉnh, xuông xẻ. Bê bối đẻ ra bê bối. Rồi hết đề cương, hết sửa sai, hết biện pháp. Càng nhiều biện pháp càng đẻ thêm ra tệ nạn. Và năm nay, có thể là năm nhiều biện pháp nhất? Càng thi đua học tốt càng dởm. Càng nhiều khẩu hiệu. Đất nước càng khốn nạn. Ngày 02/06 năm nay, bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi THPT cho hơn 1 triệu học sinh. Tờ Tuổi Trẻ chạy một tít lớn: Để có một kỳ thi trung thực và tốt đẹp. Có nghĩa là từ trước đến nay, họ chưa lần nào tổ chức được một kỳ thi thi tốt nghiệp trung học một cách trung thực và tốt đẹp? Năm nay nhà nước đề xướng thi theo Cụm và chấm chéo!!! Và đích thân ông Nguyễn Thiện Nhân đi thanh tra trước ở tỉnh Hà Nam và đưa ra lệnh, “Đây là kỳ thi phải bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan cao nhất, chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia với hai mục đích: công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại Học.” Có ông giáo sư nói đùa, thi đua ở Việt Nam giống như kiễng chân lên. Kiễng chân lên thì có tăng được chiều cao lên không? Sau thi đua, bỏ chân xuống, mọi chuyện lại như cũ. Từ đó, nhìn hiện trạng Việt Nam, tôi tìm ra được thứ chân lý ngược là đất nước nào giống Việt Nam bây giờ thì đất nước đó hỏng. Thật vậy, có dịp nhìn đường phố ở Teheran, bên Iran, tôi nhận thấy chỗ nào trên đường phố cũng gắn loa phóng thanh, kêu oang oang. Tôi tự nhủ thầm: Thôi đất nước Iran hỏng rồi. Vì giống Việt Nam quá. Thật vậy. Ở Hà Nội, có tất cả 577 địa điểm gắn loa, Mỗi ngày tra tấn người dân bằng âm thanh. Nhà nước cộng sản tự cho mình “cái quyền làm ồn,” bất chấp sự yên tĩnh kể từ 7 giờ mỗi buổi sáng. Trên các phố Teheran cũng chăng đầy những biểu ngữ, khẩu hiệu, chữ vòng vèo như những con giun, cộng thêm hình ông già Ayatollah Ali Khamenei (Tổng thống Iran từ 1981 đến 1989 và là lãng đạo tối cao từ năm 1989) trông quái dị, chẳng khác mấy hình ảnh Hồ Chí Minh. Sao các nước độc tài, chậm tiến lại giống nhau thế? Nước Tầu hình Mao Trạch Đông treo khắp nơi. Việt Nam treo hình Hồ Chí Minh. Cuba treo hình Fidel Castro. Bắc Hàn ‒ một đất nước không có nụ cười ‒ treo hình lãnh tụ Kim Nhật Thành. Các hình ảnh “ông già râu” còn có vẻ được treo nhiều hơn Việt Nam nữa. Trên đường phố, người đông đúc đi lại như kiến, xe cộ xô bồ, không ai nhường nhịn ai. Lại giống Việt Nam. Hỏng như Việt Nam mất thôi.
Đường phố Tehran với áp phích chống Do Thái và ảnh Sheik Hassan Nasrallah, lãnh đạo khối Hezbollah Nguồn: Shawn Baldwin/The New York Times
Nhưng dân chúng Teheran vẫn còn có một cơ may hơn Việt Nam một chút và người ta vẫn có quyền hy vọng vì ở đấy ít ra thầy cô giáo được học trò kính nể, lễ phép hết mực. Mỗi lần học sinh muốn nói gì thì lễ phép giơ tay. Học sinh biết tôn kính thầy. Ngược lại, thầy cô giáo tỏ ra đầy tình người với tấm lòng nhân ái. Iran có nhiều cái hỏng như Việt nam, nhưng còn có hy vọng vì ở đấy còn có tình nghĩa thầy trò: Cái nền tảng vững vàng và tương lai của một đất nước. Tôi quay sang nước Mỹ, tôi chưa hề nhìn thấy một lần nào một biểu ngữ tuyên truyền, một hình ông tổng thống treo ngoài đường hoặc đề cao chế độ hay lãnh tụ‒ mặc dù nước Mỹ là tổ sư về truyền truyền ‒ với đủ loại White Propaganda, nói sự thật, Gray Propaganda, nửa sự thật, half‒ truths và cuối cùng “Black” propaganda, hoàn toàn disinformation. (Trích The CIA and The Cult of Intelligence, John D. Marks, trang 172‒173) Bây giờ, tôi viết về việc giáo dục ở miền Nam không nhằm khoe khoang, phô trương cái miền Nam ấy. Nó đã không còn nữa. Khoe làm gì nếu nó đã không tốt đẹp? Giáo dục ở đâu cũng vậy là dùng con người để đào tạo chính con người. Nhưng trồng người là gay go hơn cả. Giáo dục miền Nam cũng gặp những vấp váp, những yếu kém, những sai phạm từ cá nhân đến tổ chức là không tránh khỏi.Trồng người khó như vậy, đôi khi cần nhiều năm tháng. Nhưng với chỉ 21 năm. Nó đào tạo được cả một thế hệ thanh thiếu niên như thế phải nói là một kỳ tích. Nếu không có chiến tranh, nếu nó đã không kết thúc một cách phũ phàng như thế. Tương lai miền Nam, giới trẻ miền Nam chắc hẳn là tốt đẹp. Vì thế, sau khi nhìn lại quá khứ miền Nam, tôi buộc tôi phải tự hào và không hổ thẹn với lương tâm mình. Dù miền Nam đã mất hết. Giáo dục ở miền Nam còn kém cỏi nhiều mặt như đánh giá sai lầm về tỉ lệ thi đậu: nghiệt ngã. Tỉ lệ năm nào cao lắm là 30% đến 35%. Nhiều giáo chức cho rằng tỉ lệ thấp thì giá trị phẩm chất văn bằng càng giá trị. Giá trị bằng cấp tỉ lệ thuận với tỉ lệ thi đỗ thấp. Càng thấp càng tốt. Báo chí cũng a dua theo phê phán việc thi cử nếu thấy năm nào tỉ lệ thi đỗ cao.
Trung học Hồng Đức (Đà Nẵng, thập niên 60-70) Nguồn: flickr.com
Tỉ lệ học sinh trường công như Chu Văn An, Petrus Ký thi đỗ trong khoảng 75%‒85%. Nhưng trường tư có thể chỉ đạt 15%‒20%. Riêng nhà văn Phan Nhật Nam cho rằng lớp đệ nhị B, trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng của ông tỉ lệ đậu là 100%, trong đó có những thí sinh như sử gia Vũ Ngự Chiêu. Riêng các giám khảo môn Triết thường có thói quen cho điểm rất nghiệt ngã, mặc dầu sau này có các câu hỏi giáo khoa nâng đỡ cho thí sinh rất nhiều. Giám khảo cho một hai điểm là truyện bình thường. Cho điểm rộng rãi được coi là thiếu trách nhiệm!!! Đó là một sai lầm lớn lắm. Đỗ rớt đổ lên đầu thí sinh thay vì chương trình, nhà trường, gia đình, xã hội với đủ loại hoàn cảnh và nhất là thầy giáo. Cái cây trồng không ra hoa trái thì tại cây hay tại người trồng? Phải chăng đó là thứ não trạng thi cử thời nho học? Rồi tìm ra được một thủ phạm có tên là số phận. Chương trình học còn nặng lý thuyết, từ chương, nhất là đối với các môn khoa học thực nghiêm thiếu phòng thí nghiệm, thiếu thực tập. Học vạn vật mà chỉ có vẽ thôi thì không được. Mà vạn vật làm gì ma học nhiều thế? Có hẳn một ban vạn vật? Sau này sinh viên xuất ngoại rõ ràng thua kém sinh viên nước ngoài về phạm vi này. Nói chi đến tư cách, phẩm chất người thầy nào đã đủ. Người thầy biết rõ những yếu kém này nơi chính mình và đồng nghiệp. Nhưng cũng phải nhìn nhận nhìn thấy rất nhiều người thầy với tư cách không vết bẩn. Cho dù ngay cả những người mà tác phong đạo đức người thấy chưa đủ. Những người thầy ấy vẫn nghĩ rằng tự họ cũng còn biết xấu hổ và hổ thẹn với chính mình. Và đấy là nét đẹp của con người, nét đẹp của cả cái tốt, cái thiện và ngay cả cái được gọi là điều xấu. Điều xấu theo nghĩa ấy là nguồn của hy vọng đứng dậy và vươn lên. Và theo nghĩa của thần học Thiên Chúa giáo thì điều xấu là cơ hội mở ra nguồn ơn cứu độ, trong đó con người có hy vọng được giải phóng khỏi tội lỗi, “được trở về nhà Cha” trong tinh thần của đứa con phung phá trở về nhà. Còn nói theo triết học thì con người dù xấu vẫn còn có cơ may để có thể làm người. Làm người chứ không phải là người. Là người là đã hoàn tất, đã xong. Làm người là tình trạng chưa xong, còn phải đi tới nữa. Đánh giá nền giáo dục nào cũng nên dựa trên điều này. Để mà giáo dục, để mà tin tưởng. Và người ta có quyền tự hỏi, con người trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa có tạo điều kiện cho chính con người có cơ may làm người hay không? Có còn có cơ hy vọng hoán cải điều xấu không? Hỏi là đã trả lời. Cũng chỉ sau này, khi nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng, đôi khi nền giáo dục miền Nam đã tạo được những điều tuyệt vời mà không biết. Còn có gì tuyệt vời hơn cho cha mẹ và xã hội, khi nhìn thấy đứa trẻ thành đạt và là đứa con ngoan, tử tế? Cho nên một nền giáo dục tốt không thể thiếu người thầy. Xã hội nào không coi trọng ông thầy thì khó nói tới một nền giáo dục gương mẫu. Thật vậy, chương trình giáo dục ở miền Nam thì chỉ đề ra những nét khái đại cương. Còn dạy thế nào là tùy nơi ông Thầy. Nhờ thế, thầy được tôn trọng. Trên bục giảng, ông thầy là “tuyệt đối.” Là tự do. Kinh nghiệm cá nhân cho thấy, khi dạy về Siêu Hình Học, về tự do, về công bằng bác ái, về các trào lưu tư tưởng và các triết gia. Điều nói ra và người nói là một. Tôi nói điều gì tôi thấy cần nói, nói với ngọn lửa (avec du feu). Nói bằng cả tấm lòng mình. Tôi đốt cháy tâm can học trò, nuôi một ngọn lửa trong họ. Trong phần tư cuộc đời trên bục giảng với phấn viết bảng, tôi chưa hề nghe ai hỏi tôi, anh dạy gì? Anh nói gì trong lớp học? Cảnh sát, chính trị, ngay cả thanh tra cũng để ở ngoài lớp học. Thế giới của người thầy là trong lớp học, trên bục giảng. Bài giảng thấm đậm hệ số bản thân người thầy. Nó là người thầy trong đó: tâm huyết và sự tin tưởng gửi gắm và truyền đạt. Vì thế trên đại học mới đòi quyền tự trị đại học. Đó là giáo dục. Giáo án giết chết tự do giảng dạy. Sau này, chính quyền cộng sản đã dẫm đạp lên tự do giảng dạy của người thầy bằng giáo án. Giáo án là một thứ kiểm soát ngu xuẩn phi giáo dục. Soạn bài là điều cần thiết nhằm phục vụ người đi học. Còn giáo án là công cụ phục vụ chế độ, một thứ công an khu vực, nhằm kiểm soát tư tưởng người thầy. Giáo dục là truyền đạt không phải tuyên truyền. Nó đã giết chết giáo dục. Nó dập tắt ngọn lửa nơi người thầy, nó biến người đi dạy thành những công cụ Nói và Nghe. Mới đây nhất, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, theo BBC, ngày 04/06/2009 đã bị đuổi vì “theo phản ánh của học sinh, cô Hạnh đã bị điều tra làm rõ về việc tuyên truyền tư tưởng phản động.” Tuyên truyền tư tưởng phản động ở đây là gì? Là cô giáo khuyên các em vào đọc vài trang Web ở hải ngoại như Tiền Vệ hay Talawas. Thật là hân hạnh cho Tiền Vệ và Talawas quá! Theo sự hiểu biết của tôi, Tiền Vệ chỉ là trang Web thuần túy văn học “cách tân” hay “Hậu hiện đại” do một số những người có tham vọng làm mới văn học bằng phủ nhận các hình thức cũ ‒ bằng một cái mới chưa định hình ‒ mà chính cái dạ dày của tôi cũng không tiêu hóa nổi. Người ta có cảm tưởng có một sự bắt chước mang tính nổi loạn. Người ta làm văn học mà nghi ngờ ngay chính bản chất văn học ‒ cái làm nên văn học là ngôn ngữ, chữ ‒ như trong các truyện ngắn cực ngắn của họ hay những câu thơ “phá cách” về vần điệu của họ. Tử tế và nhân nhượng lắm thì gọi đó là những thử nghiệm văn học. Những người khó tính gọi đó là “dởm”. Trong nghệ thuật, văn chương, lằn ranh biên giới giữa nghệ thuật và bắt chước dễ bị dẫm đạp lên như trong văn chương hay triết học hiện sinh thời trước 1975. Và đã khá nhiều thứ thử nghiệm đó nay không còn được ai nhắc tới nữa. Còn Talawas chú trọng cả phần văn học lẫn chính trị. Về mặt văn học , họ có công giới thiệu lại mảng văn học miền Nam đã bị phủ nhận và mảng văn học miền Bắc bị đảng trù dập như vụ Nhân Văn Giai phẩm. Đó là điều tốt đẹp của Talawas. Nhưng về chính trị, tôi không biết phải nói thế nào cho phải, vì nó tập hợp nhiều tác giả, nhiều chính kiến khác biệt dị biệt. Nói bên này cũng được, nói bên kia cũng được. Cô giáo Hạnh phản động ở chỗ nào? Dùng chữ phản động gán ghép cho cô giáo Hạnh là điều phản động nhất trong giáo dục. Chính nhờ tinh thần tự do, khai phóng mà miền Nam có thể có được những thế hệ thanh niên thành tài, những chuyên viên và nhất là những người tử tế. Phần tôi, chỉ muốn nói đôi điều do những suy nghĩ nhỏ của tôi để nói về một công việc rất lớn là giáo dục ở miền Nam, trong chừng mực mà tôi biết được. Nhà nước cộng sản nghe được thì tốt cho con dân cả hai miền. Tôi mong muốn họ học hỏi nền giáo dục miền Nam. Có nghĩa là hãy trở về với cái cũ, cái mà họ đã phủ nhận hoặc bôi bác gọi là “công cụ của Mỹ Ngụy.” Công cuộc cách mạng giáo dục nào bây giờ cũng nhất thiết là cuộc Cách mạng trở về với vốn cũ. Cùng lắm chỉ thay đổi phương pháp và bộ môn cho thích hợp. Bởi vì tôi thâm cảm rằng, tôi đang làm, đang viết về một điều tốt lành cho mọi người.
Điều mà tôi thâm cảm là xã hội hiện nay đang thiếu một điều không thể thiếu: Đó là tình con người và niềm tin vào con người ấy mà chế độ xã hội chủ nghĩa không thể nào có để mà cho được. Họ không tin vào người thầy, nhất là không tin vào đối tượng giảng dạy, không tin vào điều thiện thì mọi cải cách giáo dục đều vô ích. Bằng chứng hơn 30 năm nay, họ đã thất bại và còn thất bại thê thảm kéo cả dân tộc vào con đường suy vong đạo đức? Làm thế nào, trong bao lâu để có thể vực dậy cái suy vong đạo đức này? Việc học ở miền Nam trước 1975 Việc học ở miền Nam trước hết là một truyền thống, có kỷ cương như tinh thần tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy được ghi lại rõ ràng trong việc cải tổ giáo dục kể từ ngày 21/12/1917, trong đó đứa trẻ có ba bổn phận giản dị mà khó khăn lắm: ‒ Bổn phận trong gia đình. ‒ Bổn phận ở học đường. ‒ Bổn phận trau dồi tính nết. Và chắc là không có bổn phận học theo gương bác Hồ. Cái hỏng là ở chỗ đó! Học được cái gì nơi Bác Hồ mà cứ bắt học sinh học? 3 nguyên tắc không phải chỉ là những nguyên tắc hay lý thuyết suông. Mặc dầu nguyên tắc ấy là cần.
Giáo dục cộng sản Nguồn: flickr.com
Truyền thống giáo dục hơn bất cứ thứ gì là những cảm nhận cụ thể, ăn vào máu thịt, nhiễm vào tâm linh đến như thể ta sống những cảm nghiệm trong mỗi cử chỉ, hành vi cũng như suy nghĩ. Cho nên bổn phận với gia đình không cần nhắc lại ở đây. Nhưng bổn phận với thầy là biết vâng lời thầy, nhớ ơn thầy như một thứ “giáo điều” bởi vì “không Thầy đố mày làm nên.” Truyền thống ấy không phải từ trên trời rơi xuống mà từ kinh nghiệm truyền đạt từ các thế hệ đàn anh ‒ thời của những Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn ‒ thời của Quốc Văn giáo khoa thư ‒ thời của những câu truyện ông Carnot ‒ thời của tình nghĩa giáo Khoa Thư‒ đã truyền đạt lại. Tất cả những giá trị đó cứ thế mà tiếp tục phát huy ở miền Nam, cộng thêm vào những giá trị bản địa vốn cũng đã có sẵn trở thành cái chung của miền Nam. Truyền thống ấy cuối cùng là làm thế nào để thầy ra thầy, trò phải ra trò. Nguyên tắc giáo dục đơn giản chỉ có thế. Trong đó sách Quốc Văn trong bài: Phải biết ơn thầy viết rằng:
“Thầy cũng như cha mẹ, cha mẹ có công sinh thành mà thầy có công giáo dục. Phải biết ơn thầy cũng như ơn cha mẹ.”
Những nhà giáo dục tiêu biểu cho truyền thống giáo dục còn có những người như Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Ngọc, Đinh Phúc, Đỗ Thận. Cả một thời. Và một thời tiếp nối. Trong khi miền Bắc phủ nhận, xóa bỏ tất cả những truyền thống ấy. Kể từ đó, họ mất giáo dục. Hãy đọc Vương Trí Nhàn trong bài tâm sự: Những nỗi đau của thời nay. Ông viết:
“Trong mục trà dư tửu hậu trên TBTTSG, số 10‒2008, tôi đã kể về một cô giáo trẻ chạy trốn khỏi nghề dạy học. Cô không đương nổi nỗi đau mà nhiều thầy giáo có lương tâm bây giờ phải gánh chịu không có được lớp học trò tử tế để có thể yêu thương tin tưởng cống hiến hết mình cho nghề”
(Trích Kinh tế Sài Gòn. Những nỗi đau của thời nay, Vương Trí Nhàn, 31‒5‒2009). Tôi xin nhắc ông Vương Trí Nhàn là cách đây mấy chục năm, cũng phải 30 năm, ông có đại diện một nhà xuất bản viết một lá thư, tôi còn giữ lá thư đó, ông xin lỗi một giáo sư miền Nam về việc làm của nhà xuất bản in ấn không xin phép tác quyền. Cái hỏng nó từ lúc ấy rồi ông ạ. Nỗi đau của ông phải kể từ lúc đó rồi ông ạ. Dù sao, ông còn là người biết đau. Cái hỏng của giáo dục bây giờ là người ta không còn biết đau là gì nữa. Có phải vậy không ông? Tôi ngồi đây chia sẻ cái đau của ông ở trong nước. Ít ra chúng ta còn có một mẫu số chung như thế. Tiếng than của ônglà tiếng than của chính những người trong cuộc chứ không phải ai xa lạ do oán ghét chế độ mà viết. Đó là những người còn có lòng với giáo dục. Thật vậy, không bao lâu sau khi chiếm miền Nam, chế độ đã làm mất đi cái quý giá đó ‒ Tôi đã nhận ra cái hỏng của chế độ mới về giáo dục ngay từ hồi “giải phóng” rồi. Tôi còn nhớ đã ghi trong nhật ký 30 tháng tư của tôi như sau: Thứ bảy 21 tháng 6, 1975. Giáo dục dưới mái trường Xã Hội chủ nghĩa. Câu then chốt tôi đã viết như thế này, Đất nước tiến lên hay thụt lùi cũng từ cái khâu này. Hơn 30 năm sau. Họ vẫn lội bì bõm trong vũng lầy giáo dục tuyên truyền dối gạt, thiếu nhân bản. Người đi học mất đi cái hồn nhiên, sự chân thật và lòng tử tế. Tương quan Thầy –Trò không còn nữa, thầy không ra thầy, trò không ra trò vì những lý do sau đây: Cài đặt các tổ chức đoàn đội Cộng sản trong nhà trường. Trước 1975, các trường không phải không có nhiều tổ chức. Nhưng những tổ chức đó nhằm đem cái tốt đến cho học sinh. Tùy theo điều kiện có các tổ chức bên lề như Hướng Đạo, các sinh hoạt văn nghệ như ca đoàn, kịch nghệ, các đội thể thao như bóng tròn, bóng bàn, tập nhu đạo, v.v… Thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa còn tổ chức các trại hè mỗi năm cho học sinh ưu tú của các trường công lập, bán công và tư thục được du ngoạn tại Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Vũng Tàu. Tôi nghĩ là cũng tốt, nhưng có thiệt thòi cho các em học sinh khác nhiều quá, nhất là các học sinh con nhà nghèo. Có lần Bộ Giáo dục còn tổ chức du ngọan cho 100 học sinh sang Thái Lan vào năm 1958. Hoặc chính quyền vào năm 1959 còn tổ chức các Đại Hội thể thao và điền kinh sinh viên học sinh. Tổ chức hằng năm các giải vô địch thể dục, thể thao và điền kinh cho sinh viên, học sinh ở cấp tỉnh, cấp khu và cấp toàn quốc. (Cũng chính cái nếp giáo dục ấy đã tạo ra những kỳ Đại hội thể thao của sinh viên Việt Nam, dù đang sống xa quê hương, tại Bắc Mỹ đã có từ trước năm 1975 vào kéo dài đến nhiều năm sau đó. Đây chỉ là một thí dụ tiêu biểu). Đấy là những sinh hoạt không thể thiếu được trong môi trường giáo dục lành mạnh. Một lần đi du ngoạn, sống chung với bạn bè cùng lứa tuổi. Các em học hỏi được nhiều điều về con người, về tương quan tình người‒người, trách nhiệm bổn phận, về danh dự và tư do cá nhân, về tất cả những giá trị nhân bản và cuối cùng về thiên nhiên, môi trường. Đó là những bài học sống động mà trong môi trường học đường không thể cung cấp được vì nó ở bên ngoài sách vở. Sau 1963, có nhiều phong trào sinh viên, học sinh ra đời như phong trào văn nghệ dấn thân, du ca. Tự họ đảm đương, tổ chức lấy sinh hoạt cho học sinh, sinh viên ngoài khuôn viên nhà trường. Chẳng hạn đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Nguồn Sống. Các chương trình phát triển sinh hoạt thanh niên học đường. Các chương trình công tác hè, Summer Youth program vào các năm 1965. Các chương trình phát triển quận 8. Tôi đã không hề thấy những sinh hoạt như thế từ sau 1975. Và sau này nếu có, đã hẳn nó mang ý nghĩa chính trị trong đó. Những sinh hoạt bên lề như thế giúp học sinh phát triển toàn diện con người về mọi mặt. Ở Việt Nam bây giờ, nhiều trường học không có sân chơi. Giờ ra chơi các em làm gì? Thật là tội nghiệp cho các em quá!!! Các tổ chức bên lề trrường học cũng nằm trong thứ triết lý giáo dục của miền Nam đã đề xướng ra trong kỳ đại hội giáo dục toàn quốc vào năm 1958. Tham dự đại hội giáo dục này là hiệu trưởng các trường trung học toàn mỉền Nam, các trưởng ty tiểu học và một số giáo sư trung học. Triết lý giáo dục ấy là một nền giáo dục: Nhân Bản, Dân tộc và khai phóng. Nhân bản là tôn trọng những giá trị tinh thần. Nhân bản còn có ý nghĩa lấy con người làm cứu cánh, nhằm phát triển con người toàn diện. Ý niệm con người toàn diện đã được các ông Trương Công Cừu, linh mục Trần Văn Hiến Minh và giáo sư Trần Bích Lan bổ xung thêm vào. Dân tộc là tôn trọng các giá trị truyền thống như gia đình, nghề nghiệp và bổn phận với đất nước. Khai phóng là tôn trọng tinh thần khoa học, hiểu biết mở rộng ra các nền văn hóa khác. Chương trình giáo dục miền Nam đã được áp dụng như trên từ niên học năm 1958‒1959. Và giữ mãi như thế cho đến 1975. Và những gương về nền giáo dục ấy không thiếu. Mỗi học sinh sau này, dù đã trưởng thành thì đều để lại một vài hình ảnh các thầy cô của mình. Nhà văn Phan Nhật Nam trong một chuyện ông kể trong một bữa nhậu sau đây có thể tin được và khá cảm động. Ông kể rằng, ở Long An, trên một con đường làng nhỏ hẹp, vào một buổi chiều, một nhà nông già dắt trâu về nhà trông đằng xa có một cô gái chừng 20 tuổi đi ngược trở lại. Ông liền vội vã ghìm trâu nép sát vệ đường nhường lối đi cho cô gái đi qua. Đối diện người con gái, ông vội giở nón chào kính cẩn: Chào cô giáo. Cô giáo trẻ ngượng ngập, chào khẽ đáp lại. Tại sao ông lão nhà quê lại có cử chỉ như thế đối với một cô gái mới 20 tuổi đầu đáng tuổi con cái ông? Chỉ vì một lẽ giản dị là cô giáo dạy thằng nhỏ con ông. Đó là thứ tình nghĩa trong sách Giáo Khoa Thư. Đạo lý miền Nam chỉ chừng đó đã đủ. Trong khi đó, nhà nước cộng sản coi các em như công cụ của đảng thay vì như một đối tượng được giáo dục. Họ khai trác triệt để vốn xã hội là tuổi trẻ các em. Các em học sinh còn phải dành thì giờ đi họp tổ, họp đoàn đội, đi đánh phá tư sản, đánh phá và truy lùng sách báo phản động đồi trụy, đi giữ trật tự, đứng chỉ đường. Có chiến dịch nào là mang các em ra làm vật tế thần. Họ đã dùng các em như “những lực lượng xung kích.” Đánh tư sản phải chăng là nhiệm vụ của một học sinh lớp 9? Họ đã chính trị hoá học đường. Đó là cái tội phá nát các giá trị truyền thống, tôn ty trật tự, tình nghĩa thầy trò. Cho nên họ đào tạo thứ nào thì họ được thứ nấy. Đó là cái tội lớn thứ 100 của người cộng sản. Làm sao học trò có thể là một học sinh tốt, có thể ra người sau này khi chúng có thể bá cáo, tố giác thầy như học trò của cô giáo Hạnh? Họ biến cái tính ngây thơ, hồn nhiên trong sạch của học sinh thành những đứa trẻ biết nói dối, tố giác, biết bịa đặt, biết nghi ngờ, không tin vào ông thầy nữa. Phần ông thầy, không tin vào học sinh nữa, sống đóng kịch, sống giả trá. Mất niềm tin vào học sinh. Không còn giáo dục nữa. Angela Mewrket viết, “Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên những con người dối trá.” Bao lâu các tổ chức đoàn đội còn tồn tại thì bấy lâu không bao giờ có thể có một nền giáo dục chân chính ở Việt Nam được. Họ có làm gì, họ có kế hoạch nào, học sinh cũng không thành người được. Chương trình học nhất là các môn Khoa Học Xã Hội có tính lừa bịp Chương trình cũng như môn học là cái sườn của giáo dục. Tôi đã có lần viết một bài với nhan đề: Về một môn học mà thầy không muốn dạy, trò không muốn học. Đó là môn chủ nghĩa Mác Lê. Không thể nào cưỡng đặt mang một chủ thuyết của một đảng với 3 triệu đảng viên để bắt cả nước hơn 80 triệu người dân phải học cái chủ thuyết ngoại lai đó. Cùng lắm, chính quyền chỉ nên coi môn học đó như một nhiệm ý (option) chứ không phải môn học chính. Nhất là lại coi nó như một môn học chính bắt buộc liên quan trực tiếp đến việc lên lớp, thi đỗ và nhất là thi tốt nghiệp. Vì không muốn học mà môn học trở thành môm học vẹt, chán ngắt, vô nghĩa đến cả thầy đến trò đều coi như một điều vô bổ. Sau này, học sinh suy nghĩ theo một khuôn thức kiểu Group‒think, máy móc, nhai lại như vẹt pré‒digéré, pré‒formaté mà hiểu biết hạn hẹp. Đó là những kiến thức bài bản, thuộc lòng. Một thứ la pensée courte. Không dám loại trừ chủ nghĩa Mác ra khỏi giáo dục bằng đức dục và công dân giáo dục. Giáo dục Việt Nam còn “khó dạy”. Dạy khó cho thày vì thày phải nói dối, đóng kịch. Còn trò trở thành khó dạy theo mọi nghĩa. Miền Nam có chủ nghĩa Nhân Vị mà nhiều người thường nêu ra như một cớ để chê trách. Nhưng thật sự, chủ nghĩa ấy không bao giờ được đem giảng dạy trong hệ thống giáo dục trung học, càng không có chỗ đứng nào ở đại học. Xin ghi nhận một lần cho xong. Trong khi đó, chương trình giáo dục tại miền Nam trước 1975 có môn Đức Dục và Công dân Giáo dục. Ở bậc tiểu học, học 2 giờ 30 mỗi tuần về môn Đức Dục . Ở Trung học, hai giờ một tuần về môn Công dân Giáo dục. (Xin đọc thêm “Giáo dục ở miền Nam trước 1975”, Nguyễn Thanh Liêm) Giữa môn chính trị theo chủ nghĩa Mác‒Lê Nin và các môn đức dục, công dân giáo dục đã hẳn đào tạo ra hai loại người: Loại người học Mác Lê không biết luân lý đạo đức vì thiếu môn đức dục. Không biết luật lệ hành chánh, tổ chức chính quyền, tòa án vì không được học công dân giáo dục để biết sử sự theo luật pháp, biết tôn trọng các quyền công dân của mình. Chương trình học ấy nhất là đối với các khoa học nhân văn còn có rất nhiều điều không thật.
Không thể chính trị hoá giáo dục nhưng phải có ý chí chính trị để đổi mới nền giáo dục Nguồn: flickr.com
Sách địa lý thì không có các con số dẫn chứng. Thay vì những con số thì dùng nhiều tĩnh từ như: đất nước giầu mạnh, tiền rừng bạc biển, hướng đi lên, nhất định thắng, dân chủ gấp triệu lần, tầm vĩ mô, hướng kích cầu, bọn xâm lược, bọn bá quyền, tăng 250% so với năm ngoái. 250% của cái gì không ai biết. Đó là thứ ngôn ngữ tuyên truyền không phải ngôn ngữ giáo dục. Sách lịch sử thì viết bôi bác, cắt xén tùy tiện. Đó là thứ Sử phi sử. Học sinh bị nhồi sọ bằng một thứ sử không sử. Trong các bài sử đó, tôi không tìm thấy bóng dáng con người. Bóng dáng của tổ tiên chúng ta trong những bài học sử đó. Chẳng hạn nói về đấu tranh giai cấp thời thời Lê Mạt thì là ai? Đó là thiếu sót không tha thứ được. Sử là sử học về con người. Chính là những con người có tên có tuổi, là tác nhân ra sử, chứ không phải là những phong trào, những đám đông vô danh. Vì thế, tôi cũng không tìm thấy vết chân tổ tiên tôi trên những đoạn đường sử đó với đầy chông gai và khốn khổ, áp bức, tù đày, nghèo túng và khốn cùng, nhưng vẫn đầy lòng can đảm, sự trì trí và quyết tâm đi tới. Tôi cũng không học được bất cứ điều gì, như tình yêu tổ quốc, yêu đất nước con người, yêu mảnh đất quê hương yêu dấu như xóm làng, bà con, hàng xóm. Tóm lại về cơ bản, tôi không chấp nhận thứ sử đó, sử phi sử. Đấy là thứ sử của đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải sử của 83 triệu người Việt. Và rằng tất cả những lính bộ đội miền Bắc đã chết là chết cho đảng Cộng Sản của Hồ Chí Minh. Không phải chết cho dân tộc Việt. Người Việt Nam nói chung bị gạt ra bên lề của chính lịch sử đất nước mình. Điều mà ít ai để ý tới. Tôi tóm tắt phần này bằng cách nhắn họ một câu của Phạm Văn Đồng, “Bây giờ trung thực phải đặt giáo dục lên trước vì là cái thiếu nhất.” (Trích lời Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, nxbctqg, Hà Nội ngày 20/02/1963)
Những con số biết nói Công việc giáo dục ở miền Nam bắt đầu từ giai đoạnn chuyển tiếp từ nền giáo dục thuộc Pháp sang Việt Nam. Việc thâu hồi chủ quyền đại học từ trong tay người Pháp chỉ được thực hiện vào ngày 11/05/1955. Lúc đó chúng ta, VNCH mới có một nền giáo dục do Bộ Giáo Dục đảm trách. Hãy nhìn lại cho thấy thời bắt đầu của một miền Nam VNCH. Các thầy giáo trung học, trình độ còn thấp, học lực có người chỉ là giáo viên tiểu học đưa lên. Nhưng tư cách đạo đức là không thiếu. Chẳng hạn, cụ Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xàn, ngạch giáo viên lên Thanh tra và hiệu trưởng Chu Văn An. Cụ cũng là người trách nhiệm chọn đề thi lúc ban đầu 1954‒1955. Tiếp đến các cụ hiệu trưởng kế vị như Trần Văn Việt, Nguyễn Hữu Văn, Đàm Xuân Thiều, Lê Văn Lâm, Bùi Đình Tấn, Dương Minh Kính... Các giáo sư trung học dạy công và tư tiêu biểu lúc đầu là những vị như ‒ Triết có linh Mục Trần Văn Hiến Minh, Trần Bích Lan. ‒ Toán, Lý Hóa: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Nguyễn Xuân Nghiên, Trần Thế Hiển, Nguyễn Đình Quỹ. Dạy tư thì không thể không nhắc tới các giáo sư Ngô Duy Cầu, Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột. Họ chỉ dạy chuyên các lớp từ đệ tứ trở xuống. Dạy hay, dễ hiểu, vẽ đẹp, tài ba lắm. Chẳng ai hỏi xem các vị ấy có chứng chỉ gì về toán ở đại học không? Trường tư thục Văn Lang nổi tiếng với giáo sư Ngô Duy Cầu. Riêng Nguyễn Xuân Nghiên phải được coi là “không ai sánh bằng.” ‒ Sử địa: giáo sư Vũ Khắc Khoan dạy sử. Tài hoa và lôi cuốn. Địa lý có ông Bùi Đình Tấn. ‒ Vạn vật: cụ Nguyễn Văn Đỉnh ‒ Pháp Văn: Có lẽ môn Pháp Văn là tương đối có các giáo chức có căn bản học vấn nhất. Họ theo học chương trình Pháp từ nhỏ nên vững lắm. Giáo sư Nguyễn Văn Linh nói tiếng Pháp tự nhiên và lưu loát như người Pháp. Học trò ban C rất trân trọng ông. Anh Văn: cụ Nguyễn Văn Nguyên và linh mục Trần Phúc Long. Lm Long đi du học về, nhưng không được học trò thích lắm. Môn Anh Văn có lẽ là môn “bết nhất” về giọng đọc cả về phía thầy đến trò. Có sao đâu, thầy trò nói tiếng Ăng Lê với nhau chứ không nói với Mỹ. Ngay cả các vị tốt nghiệp đại học sư phạm đàng hoàng sau này, thế hệ 1960, giọng đọc cũng thuộc loại có vấn đề. Họ “không lại” các sinh viên hoặc các giáo chức đi tu nghiệp ở Úc, Tân Tây Lan, Singapore về sau này dù chỉ là đi một năm. Hội Việt Mỹ sau này cũng chỉ mướn các giáo chức có đi tu nghiệp ngoại quốc mà thôi.
Từ điển Việt Anh/Anh Việt Nguồn: hzportal.dayton.lib.oh.us
Trong khi đó, dạy tư thục môn anh văn không thể không nhắc tới các giáo sư Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh. Chắc trình độ anh văn cũng “qua loa.” Giọng đọc anh văn chắc giống giọng Tàu “Hồng Kông” hơn là giọng Mỹ. Nhưng lúc đó, phải chấp nhận tình trạng liệu cơm gắp mắm chứ biết làm thế nào!!! Tuy nhiên bộ sáchvăn phạm anh văn Lê Bá Kông thì đã giúp cho nhiều thế hệ học sinh lắm. Tuy nhiên cũng có các lớp anh văn “dởm” như các lớp của Tuấn Huy. Sau này, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Linh là một trong những người đi du học Mỹ về. Việc học và nói tiếng Anh đã có căn bản hơn. Năm 1954‒55, chính phủ Việt Nam chỉ có 29 trường trung học với 20.999 học sinh. Năm 1960, chính phủ xây thêm được 40 trường và nhận thêm được 41.131 học sinh. Năm 1955, chúng ta chỉ có 5 trường bán công với 1200 học sinh. Năm 1960, chúng ta có thêm 80 trường bán công với số học sinh là 245.855. Vẫn không thể giải quyết được số học sinh quá đông, hệ thống trường tư năm 1955 chỉ có 89 trường. Năm 1960, tăng thêm 254 với tổng số 83.498 học sinh. (Trích Sáu năm hoạt động của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Hồ Đắc Huân, trang 643‒652). Phải nói là tốt đẹp. Để đáp ứng nhu cầu dạy học, ngoài trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa đã mở thêm các trường Sư phạm cấp tốc tại các tỉnh Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Ban Mê Thuột, Năm 1958 là năm thiếu trầm trọng các giáo sư trung học. Để đáp ứng được tình trạng thiếu hụt đó, Đại Học Sư phạm Sài Gòn đã đào tạo được 618 giáo sư trung học. Đại học Sư Phạm Huế đào tạo được 254 người. Tính chung cả hai cấp Trung tiểu học, chính quyền cho đến năm 1960 đã đào tạo tổng cộng được 24.678 người. Cho đến năm 1960, tỷ lệ đào tào giáo sư trung học tăng 21,45%, trong khi tỉ lệ học sinh chỉ gia tăng 18,93% năm.(Trích Hồ Đắc Huân như trên, trang 652) Những con số vừa nêu trên cho thấy là thời đệ nhất cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã quan tâm đặc biệt đến việc dào tạo giáo chức cũng như việc xây dựng trường sở. Trong 9 năm này, không chỉ ngành giáo dục mà toàn thể các cơ cấu hành chánh, các nha bộ đều phát triển đồng bộ tạo thành một nề nếp, khuôn khổ hành chánh sau 1954‒1955 về mọi mặt. Việc xây dựng các trường công lập thì sang thời đệ nhị cộng hòa có phần chậm lại. Chính phủ có phần ít chú trọng đến vấn đề giáo dục. Việc đào tạo giáo chức nói chung không đáp ứng kịp so với sỉ số học sinh gia tăng. Các trường công ở tỉnh đành mượn cáo giáo sư dạy giờ, dạy theo khế ước. Cho đến thập niên 1965, số lượng giáo chức dạy giờ có thể chiếm đến 1/3 hoặc hơn trong số giáo chức đi dạy. Thường họ chỉ có tú tài 2 hoặc một vài chứng chỉ ở đại học. Đồng lương thật ít ỏi. Lương bổng thấp nên họ được nhận thêm phụ cấp 300 đồng cho bậc tiểu học và 800 đồng cho bực trung học. Họ phải vừa dạy, vừa học thêm. Họ cố gắng học thêm để hoàn tất các chứng chỉ cử nhân ở đại học. Sau này, do đi học thêm, nhiều giáo chức có cử nhân. Nhất là các cử nhân khoa học, văn khoa và luật khoa. Nhưng các trường bán công và tư thục sau này gia tăng rất nhanh.
Trong sân trường Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn, 1971) Nguồn: flickr.com
Trường bán công thường do địa phương điều hành nên việc tuyển mộ giáo chức, điều hành thường không được chặt chẽ. Có nhiều trường hợp quen biết, có những gian lận trong tổ chức hành chánh như bán học bạ, làm chứng chỉ giả để đi học, hoặc để trốn quân dịch. Tổ chức lỏng lẻo nên phẩm chất giáo chức thường thấp. Kỷ luật học đường theo đó cũng xuống thấp theo. Tỉ lệ học sinh thi đỗ theo đó cũng thấp hơn các trường công lập. Phần các trường tư thục một phần không nhỏ do các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo lập ra ở hầu hết các tỉnh. Tổ chức thường chặt chẽ, có kỷ luật hơn cả các trường bán công. Mỗi tỉnh cũng thường có các trường “công giáo” như thế. Thường các phụ huynh chịu bỏ thêm tiền để cho các con em học trường tư thục do các linh mục, các bà sơ lập ra. Các trường tư công giáo nổi tiếng một thời như Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh. Có một trường tư mà tôi nghĩ rằng kỷ luật học đường hơn hẳn bất cứ trường công tư nào. Đó là trường Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Các tư thục ở Sài Gòn cũng rơi vào tình trạng khá phổ biến là không có đủ tiêu chuẩn bằng cấp. Có người chưa có nổi bằng tú tài. Tình trạng hỗn mang đó sau vài năm đã được chấn chỉnh khá hơn, nhất là đối với các lớp dạy thi tú tài. Không còn cái cảnh thầy học hôm trước, hôm sau dạy lại. Tình trạng luyện thi đệ tứ và tú tài sau này cũng khá phổ biến. Đó là một thứ Mal nécessaire, thứ xấu cần thiết, không tránh được của nền giáo dục non trẻ của VNCH. Lý do là nhiều viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội VNCH không có bằng cấp. Muốn được nắm chức vụ chỉ huy, lên lon, ông Ngô Đình Diệm khuyến cáo các vị này phải đi học thêm các lớp luyện thi tú tài 1 và 2. Cấp tá phải có tú tài, cấp úy phải có bằng trung học phổ thông. Tôi xin nêu tên một vài vị ra đây để nêu gương hiếu học của các vị ấy và là tấm gương soi sau này. Đây là những học trò “ưu tú” của giáo sư Lưu Trung Khảo như Tỉ dụ: Đại tướng Cao Văn Viên. Lúc còn thiếu tá, ông đi học thêm tú tài 1 rồi 2, sau đó theo học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc quen thuộc trong giới báo chí, Trung tá Lê Quang Trọng, tùy viên quân sự của ông Diệm và tướng Bùi Đình Đạm. Tôi vừa được tin ông qua đời ở San Jose, xin được nêu tên ông với niềm trân trọng. Trường hợp tướng lãnh lớp cũ như các tướng Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ chắc đa số đều không có tú tài. Trong hồi ký Buddha’s Child, trang 18‒25, tướng Kỳ cho biết, ông học trường Pháp bảo hộ, trường Albert Sarraut. Năm 1950, Bảo Đại tổng động viên và ông Kỳ bỏ học vào quân đội. Trường hợp những người như tướng Đỗ Mậu, bằng cấp không có, tham vọng lại nhiều phải nói thế nào bây giờ. Sau này, nhận lãnh chức vụ Phó Thủ Tướng đăc trách Văn Hóa thì thật không xứng hợp tý nào. Vài dòng kết luận
Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (65 đường Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn) Nguồn: chskythuatcaothang.us
Nhìn lại những năm tháng này sau 1975, tôi có một số ý nghĩ là con số giáo chức trung tiểu học kẹt ở lại cũng vài chục ngàn người. Trong đó bao gồm các trường Kỹ Thuật như: ‒ Trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ với các trường Cao Đẳng Công Chánh, Cao Đẳng Điện Học, Việt Nam Hàng Hải và Quốc Gia kỹ sư công nghệ. Ngoài ra còn có các trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, Trung Học Kỹ Thuật Huế, Trường Quốc Gia Thương Mại và trường Bán Công Phú Thọ. ‒ Về các ngành Mỹ Thuật có có các trường Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, trường Quốc Gia âm nhạc, trường Mỹ Thuật thực hành, Gia Định. Cứ cho một con số tròn là 50 chục ngàn người vừa trung học công lập, tư thục, vừa các trường chuyên môn như ở trên. Đó là những con người đã xây dựng lên nền giáo dục tốt đẹp ấy. Trong số những con người ấy nhìn lại, tôi thấy thành phần các thầy cô giáo dạy ở tiểu học là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nhưng lại là những người xứng đáng nhất. Họ là những viên ngọc quý của nền giáo dục miền Nam. Càng ngày đời sống vật chất càng khó khăn, nhất là sau những năm 1965. Vật giá gia tăng vì người Mỹ đổ xô sang Việt Nam. Địa phương thường mất an ninh. Các cô giáo phần lớn là vợ con các công chức, quân nhân vẫn bám lấy lớp học, vẫn bám lấy trường. Vẫn tận tụy với nghề. Vẫn hy sinh kiên trì. Nhất là vẫn giữ được phẩm chất nhà giáo. Vẩn nụ cười từ mẫu và lòng nhân. Vẫn vì con em học sinh. Không thể không hết lời cảm mến. Con em miền Nam nên người được là nhờ họ. Nhưng cũng vẫn nững con người ấy, biết giữ gìn phẩm chất người thầy. Cũng vẫn học trò ấy ‒ học trò miền Nam… Vậy mà sau 1975, không bảo nhau, không hẹn mà cả thầy lẫn trò dắt nhau đi xuống. Xuống đến thê thảm, đến mất nhân cách. Thầy không còn ra thầy. Trò không là trò. Cho nên người ta mới hiểu rằng, con người có tốt đi mấy đi nữa mà sống trong một chế độ như cộng sản thì trước sau cũng biến chất. Vì thế, trước khi nói đến giáo dục, phải xóa sổ đảng cộng sản ra khỏi học đường. Vài dòng chót này, tôi có thể chứng minh bằng một thứ “thống kê xã hội” bỏ túi sau đây... Tôi có thu thập khoảng 200 bản tin tức đăng trong báo chí xuất bản ở miền Nam trước 1975. Trong đó một phần ba là các tin tức chính trị và quân sự. Phần còn lại đều là những tin “lá cải” như đánh nhau, đánh ghen, ly dị, hãm hiếp, giết người, v.v... Nhưng tôi không tìm ra các loại tin kiểu: Thầy hãm hiếp trò, lường gạt, đánh đập dã man học trò, sỉ nhục học sinh, gian lận, giả bằng cấp, thi cử gian lận đủ kiểu thường xảy ra hằng ngày được đăng tải trên báo chí trong xã hội Việt Nam bây giờ. So sánh hai loại bản tin đó đánh giá được hai nền giáo dục: giáo dục trước 1975 và sau 1975. Chỉ có một tin tức được coi như đau buồn nhất xảy ra trong ngành giáo dục là vào mùa hè thi cử, 1965. Một học sinh thi tú tài ở Nha Trang gian lận thi cử bị giáo sư Trần Vinh Anh bắt được. Mang thù oán. Học sinh trên đã rình trước cửa quán ăn và đâm giáo sư Trần Vinh Anh một nhát chí mạng. Luật sư biện hộ cho bị can cũng là một cựu giáo chức trường Võ Tánh NhaTrang, luật sư Nguyễn Văn Long. Vai trò của ông là một vai trò bất nhẫn. Và đây là một vết đen trong ngành giáo dục. Nhưng chỉ cần nhìn những tin tức đăng trên báo chí trước 1975 và sau 1975, chúng ta có thể hiểu được nền giáo dục hiện nay của Việt Nam đi về đâu! Ai là người còn quan tâm đến giáo dục Việt Nam bây giờ mà không khỏi đau lòng? © DCVOnline

Lưu trữ Blog

Người theo dõi