11 thg 6, 2009

Moskva đã giết chủ nghĩa cộng sản như thế nào?

Archie Brown - Moskva đã giết chủ nghĩa cộng sản như thế nào?

11/06/2009 | 12:00 chiều |

Tác giả: Phạm Minh Ngọc

Chuyên mục: Chính trị - Xã hội, Thế giới Thẻ: >

Phạm Minh Ngọc dịch

Lời người dịch: Bài báo này đưa ra một quan niệm nữa về những sự kiện diễn ra cách đây đúng 20 năm: Các quyết định được đưa ra ở Moskva không chỉ giúp truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra khắp Trung và Đông Âu trong những năm 1940 mà còn giúp mau chóng kết liễu nó cuối những năm 1980.

___________________

Năm 1989 có thể được coi là năm có nhiều sự kiện quan trọng nhất trong nửa sau thế kỉ XX. Mà một trong những sự kiện trọng đại nhất của nó diễn ra cách đây đúng hai mươi năm và một ngày. Ngày 25 tháng 5 năm 1989 là ngày khai mạc kì họp thứ nhất quốc hội thực chất đầu tiên của Liên Xô. Nó là quốc hội thực chất vì, khác với tất cả các cơ quan lập pháp trước đây của Liên Xô, phần lớn đại biểu quốc hội lần này được bầu chọn trong cuộc những bầu cử cạnh tranh. Nó còn là thực chất bởi vì ngay từ ngày đầu tiên đã có một số đại biểu sẵn sàng phê phán lãnh đạo Đảng, phê phán quân đội và KGB mà không bị trừng phạt.

Tiếp theo là một loạt sự kiện đầy kịch tính. Ngày 4 tháng 6 năm 1989 Bắc Kinh đàn áp dã man các sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng ở châu Âu lại diễn ra những sự kiện long trời lở đất khác. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Ba Lan chấp nhận thắng lợi mang tính quyết định của phong trào Đoàn kết và đồng ý tiến hành hội nghị bàn tròn để bàn về luật chơi mới trong nền chính trị Ba Lan. Không thể gọi Ba Lan sau bầu cử là quốc gia cộng sản được nữa. Những sự kiện long trời lở đất tiếp tục diễn ra, dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin và các chế độ cộng sản trên khắp Trung và Đông Âu trong năm đó.

Đa số các phương tiện thông tin đại chúng, khi nhắc đến ngày kỉ niệm cách đây hai mươi năm, thường chỉ tập trung vào những sự kiện có tính cách sống động, đấy là những cuộc biểu tình quần chúng trong các thành phố Trung Âu, và trên hết là những người dân Đông và Tây Đức nhảy múa trên đống gạch vụn của bức tường đã chia cắt họ từ năm 1961. Nhưng những sự kiện quan trọng nhất, những sự kiện làm cho việc chuyển hoá châu Âu trở thành hiện thực lại xảy ra ở chỗ khác, chính xác là xảy ra ở Moskva.

Hoàn toàn không có gì bí ẩn trong việc Ba Lan, Hungary và Tiệp Khắc trở thành các nước độc lập và không cộng sản vào năm 1989, đấy là do nhân dân các nước này đã nhận thức được rằng Liên Xô sẽ không can thiệp nữa. Sự sụp đổ của bức tường Berlin và thống nhất nước Đức một năm sau đó cũng là kết quả của nhận thức đó. Những sự kiện như thế không thể xảy ra sớm hơn vì nhân dân Trung và Đông Âu hiểu rõ rằng đằng sau những ông trùm cộng sản mình là các lãnh tụ Liên Xô, những người sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện nhằm bảo vệ các chế độ cộng sản ở phần châu Âu mà họ coi là chiến lợi phẩm hợp pháp của mình.

Cần phải tìm hiểu không chỉ các sự kiện xảy ra ở Trung và Đông Âu trong năm 1989 mà quan trọng hơn là phải tìm hiểu xem vì sao chính sách của Moskva lại thay đổi như thế. Cách lí giải phổ biến, đặc biệt là ở Mĩ, cho rằng Tổng thống Ronald Reagan[1], bằng những bài diễn văn nảy lửa và những khoản chi tiêu trong lĩnh vực quân sự, đã buộc Liên Xô phải quì gối. Nhưng Reagan trải qua bốn đời lãnh tụ Liên Xô: Leonid Brezhnev, Yury Andropov, Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev - nhưng đã chẳng có tiến bộ nào trước khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư vào tháng 3 năm 1985.

Người ta còn gán sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản với tên tuổi của John Paul II[2]. Việc bầu chọn Ngài vào năm 1978 và việc Ngài trở về cố quốc một năm sau đó chắc chắn đã tiếp thêm năng lượng cho dân chúng Ba Lan và là nguồn động viên rất lớn cho phong trào Công đoàn Đoàn kết trong việc thách thức chế độ vào những năm 1980-1981. Tuy nhiên, nguồn lực của nhà nước Ba Lan còn đủ mạnh, đủ sức tiến hành thiết quân luật và buộc Công đoàn Đoàn kết phải rút vào hoạt động bí mật từ năm 1982 đến tận năm 1987. Và, mặc dù được mọi người ngưỡng mộ, trong các nước cộng sản khác đã không có một phong trào nào tương tự như Công đoàn Đoàn kết.

Luận cứ có vẻ hợp lí hơn là chính những thúc bách về kinh tế đã buộc Gorbachev phải thực hiện những thay đổi đầy kịch tính trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Xô. Nhưng các chế độ độc tài ở những nước còn nghèo hơn Liên Xô trong những năm giữa thập niên 1980 vẫn sống khoẻ cho đến tận ngày nay. Năm 1985, Liên Xô tỏ ra hoàn toàn yên bình. Chính cuộc cải cách đã làm phát sinh khủng hoảng chứ không phải khủng hoảng buộc người ta phải tiến hành cải cách.

Quyết định tạo điều kiện cho những thay đổi diễn ra vào năm 1989 đã được một nhóm chỉ gồm có mấy người, đứng đầu là Gorbachev, đưa ra vào năm 1988. Kết quả là Liên Xô chuyển sang những cuộc bầu cử cạnh tranh và ban lãnh đạo Liên Xô tuyên bố rằng họ sẽ không can thiệp để bảo vệ các chế độ cộng sản ở các nước khác nữa. Tại khoá họp của Liên hiệp quốc vào tháng 12 năm 1988, Gorbachev còn nói đến quyền bất khả tương nhượng của nhân dân trong việc lựa chọn chế độ. Thậm chí ông còn nhấn mạnh rằng điều đó được áp dụng cho cả các nước xã hội chủ nghĩa lẫn tư bản chủ nghĩa.

Việc chuyển hoá hệ thống chính trị và chính sách đối ngoại của Liên Xô là kết quả của sự liên minh giữa những nhà khoa bảng ủng hộ cải cách và người lãnh đạo mới sẵn sàng lắng nghe họ. Giới tinh hoa chính trị Liên Xô đã bị chia rẽ một cách sâu sắc, nhưng phe cải cách có lợi thế lớn là được Tổng Bí thư - quyền lực của ông này trong những năm 1988-1989 vẫn còn rất mạnh - ủng hộ. Kết quả là, những quyết định được đưa ra ở Moskva đóng vai trò quyết định không chỉ trong việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra khắp Đông Âu trong những năm 1940 mà còn có vai trò chủ yếu trong việc kết liễu chế độ cộng sản ở châu Âu, bốn mươi năm sau đó.

Nguồn: Bài đăng lần đầu trên tờ The Guadian (Anh) ngày 26 tháng 5 năm 2009


[1] Xem: http://talawas.org/talaDB/suche.php?res=11411&rb=0402 - ND

[2] Xem: http://talawas.org/talaDB/suche.php?res=4232&rb=0303 - ND

Lưu trữ Blog

Người theo dõi