26 thg 5, 2009

Những bài học tri hành rút ra từ lịch sử 2/2

Những bài học tri hành rút ra từ lịch sử (đọc hồi kí Đất nước tôi của Nguyễn Bá Cẩn) Nguyễn Đức Cung

“...Nhìn chung, cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn đã soi lại những tấm gương cũ về các bài học lịch sử trong hơn ba thập niên mà ông chứng kiến và dấn thân. Có những mặt đóng góp khá tích cực nhưng cũng có rất nhiều mặt tác phẩm chưa có những nhận định chính xác, phê phán vô tư...”

1 2
Trong số những cuốn hồi ký viết sau năm 1975 của những người nắm các vị trí quan trọng trong giới chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, cuốn Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu thủ tướng VNCH, mà chúng tôi đã có dịp đọc tới và đưa ra một số nhận định trên báo chí trước đây, chính là một nỗ lực đáng khen mặc dù giá trị của nó cũng cần phải lượng định lại. Một số bài phân tích, nhận định rất khái quát về cuốn sách này được đăng tải trên báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ cho thấy tác phẩm được chú ý dù dưới khía cạnh tiêu cực hay tích cực. 1. - Về bài học dân chủ trong tương quan quân sự và dân sự của VNCH. Qua Đất Nước Tôi , trang 126, ông Nguyễn Bá Cẩn có viết: « Khi Tổng Thống Diệm quyết định bổ nhiệm Tỉnh Trưởng «nhà binh», mở đường cho Hội đồng Quân lực sau khi đảo chánh bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn kiêm luôn Đại biểu chính phủ, chính quyền đệ nhất Cộng hòa đã không biết mình đang «đùa với lửa». Và hậu quả đáng sợ đã xảy ra vài năm sau đó». Thật sự dưới trào Đệ nhất Cộng hòa cũng có một số tỉnh trưởng dân sự được bổ nhiệm chức vụ tỉnh trưởng như trường hợp ông Nguyễn Trân ở Nha Trang, ông Trương Hữu Diệp ở Định Tường, ông Trần Điền ở Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Đảng ở Thừa Thiên... Nhưng một khi tình hình chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã tuỳ nghi mà sắp xếp lại nhân sự, và dĩ nhiên vì thế chẳng đặng đừng mà ông phải dùng cấp quân sự vào vai trò tỉnh trưởng cho tiện công vụ, và dành một số ưu đãi cho hàng tướng lãnh quân đội lúc bấy giờ. Việc một số tướng lãnh tham tiền, tham địa vị tình nguyện làm đầy tớ cho Hoa Kỳ để phản lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm dần dần đã được nhiều tư liệu lịch sử chứng minh là một việc ít ai muốn xảy ra. Không phải là Tổng Thống Diệm «đùa với lửa», nhưng là sự bất lương trong chính sách của một đại cường quốc và nhất là sự lạm dụng quyền lực của một số viên chức trong chính quyền Hoa Kỳ vì những hiểu biết hạn hẹp của họ về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. [1] Trong nguồn ca dao Việt Nam, chúng ta đọc thấy một vài câu nói về tương quan giữa võ quan và văn chức dưới chế độ phong kiếnViệt Nam, điển hình như: «Trâu buộc thì ghét trâu ăn, Quan võ thì ghét quan văn dài quần» hoặc là: «Quan văn thất phẩm đã sang, Quan võ tứ phẩm còn mang gươm hầu”... Cách hành xử công việc của hai loại võ quan và văn chức cũng có những nét khác biệt mà không cứ gì ở các nước Đông phương mà có lẽ ngay cả các quốc gia Tây phương cũng thế. Sử gia Philippe Devillers đã cho rằng sự phân chia ra hai hệ thống quan chức văn võ là do ảnh hưởng của Trung Hoa, và ngay cả khi hai vị quan văn hay võ cùng một phẩm trật, thì quan văn cũng lấn một bước trên quan võ, và Gabriel Aubaret (1825-1894) đã có thiên kiến khi miệt thị các quan võ rằng «sự dốt nát của họ là nét điển hình» . [2] Sự tranh chấp giữa quân sự và dân sự vốn là sự kiện cố hữu trong bất cứ một chế độ phong kiến nào trước đây ở Trung quốc cũng như ở Việt Nam. Sự kiện đó cũng là hệ quả tất yếu của đất nước ta vốn đã trải qua biết bao giai đoạn chiến tranh binh lửa mà vai trò của quân sự hầu như quyết định mọi chuyện. Hệ thống quân sự nhiều khi cũng cho người ta một cảm nhận đó là cách hữu hiệu nhất để cai trị một vùng đất mới [3], tỉ dụ như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa chẳng hạn. Miền Nam Việt Nam cũng chính là hậu thân của Đàng Trong của các chúa Nguyễn vốn trước đây được tổ chức với các đơn vị gọi là Dinh có nghĩa là đạo quân (gồm 12 dinh). Nhưng tính cách quân sự của một xã hội như vậy cũng đã được chuyển dần qua dân sự về sau do cường độ chiến tranh càng lúc càng giảm bớt để cơ chế xã hội được tổ chức hướng về tương lai nhiều hơn. Ở trang 157, tác giả Nguyễn Bá Cẩn quan niệm về mục tiêu chính trị của mình thật rõ ràng: “Tôi ứng cử vào Hạ nghị viện với hoài bão góp phần củng cố các cơ chế dân chủ hiến định của đât nước là nền móng bảo đảm tự do dân chủ cho người dân, và cũng là mục tiêu tối hậu của cuộc chiến tự vệ chống hiểm họa độc tài đảng trị của Cộng sản”. Trong một đoạn dưới, tác giả quan niệm rằng: “Dân chủ là một trạng thái tinh thần đòi hỏi những cố gắng của các thế hệ không ngừng bồi đắp lòng tự trọng và tôn trọng người khác, dần dà thành thói quen của nếp sống, để rồi với thời gian kết thành truyền thống dân chủ chi phối đời sống quốc gia”. (trang 158). Khi bước chân vào Hạ viện, pháp nhiệm I, năm 1967, ông Nguyễn Bá Cẩn đã thấy mặt thật của trò chơi dân chủ do một số người xuất thân từ quân đội chủ trương, đó là Nguyễn Cao Kỳ (Thiếu tướng) lúc bấy giờ đã là Phó Tổng Thống, qua ông Nguyễn Thiện Nhơn, “chủ trương mua biểu quyết của Hạ nghị viện bằng tiền, tức là dân biểu nào bỏ phiếu ‘theo ý chính quyền’, kể cả dân biểu đối lập sẽ được biếu một số tiền” (trang 161); về sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giành lại được Quốc hội và dùng ông Nguyễn Cao Thăng làm Phụ tá, lối chi tiền càng lố bịch công khai hơn, như “công khai chận dân biểu ngay trước tiền đình Hạ nghị viện để mua phiếu, trước mắt ký giả trong và ngoài nước” (trang 163). Ông đã lên án các việc làm đó và tìm gặp Nguyễn Cao Kỳ thì được ông Kỳ trả lời: “Anh thì cứ lý tưởng. Ngay cả Tổng Trưởng của tôi mà tôi còn thưởng bằng tiền. Thời buổi chiến tranh, cần được việc cho mau chóng. Lề lối của anh đề nghị là lề lối giáo dục, rất tốt, nhưng phải đợi thế hệ tới kìa” (trang 162). Thời gian này là thời gian của pháp nhiệm I và Hạ viện do ông Nguyễn Bá Lương làm Chủ Tịch. Ở Hạ viện, để tiến hành các mục tiêu thực hiện dân chủ, ông Nguyễn Bá Cẩn đã tìm sự liên kết với Thượng viện qua việc thiết lập Liên khối Lưỡng viện Quốc hội với nhóm của nghị sĩ Đặng Văn Sung, vốn là một cán bộ Đại Việt, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị rồi dần dà móc nối sinh hoạt với các thẩm phán trong Tối cao Pháp viện. Con đường đi của ông được đánh giá là đúng đắn. Những chuyến đi công du nước ngoài tới Anh Quốc, Tây Đức, Hòa Lan, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Ý Đại Lợi, Tòa Thánh Vatican, và Liên Hiệp Quốc đã giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, giới thiệu sinh hoạt chính trị đất nước với ngoại quốc, tìm thêm đồng minh mới trong trận tuyến dân chủ, vận động để bên ngoài hiểu thêm về cuộc chiến mà đất nước đang phải chịu đựng, làm sáng tỏ chính nghĩa quốc gia với dư luận bên ngoài và kiều bào hải ngoại. Những cuộc thăm viếng các quốc gia đồng minh như Đại Hàn, Hoa Kỳ cũng giúp cho ông gặt hái những kết quả của vận động chính trị (lobby) cần thiết cho nỗ lực chống Cộng của quốc gia. Thêm vào đó, sự hoạt động trong chính trường Miền Nam đã cho tác giả cơ hội nhận xét khá chính xác về tình trạng của các cơ chế dân chủ, các thành viên của quốc hội và đã ghi lại trung thực một số trong rất nhiều những mẫu chuyện có liên quan đến các dân biểu như trường hợp của Trần Ngọc Châu (liên hệ với anh ruột là cán bộ tình báo CS Trần Ngọc Hiền), Nguyễn Văn Dậu (thiên Cộng), Lê Quang Liêm (dân biểu, lãnh tụ Hòa Hảo), Nguyễn Công Hoan (đại biểu quốc hội CS sau năm 1975), Nguyễn Quang Luyện (buôn lậu vàng) v.v. Tác giả Nguyễn Bá Cẩn đưa ra một số điều kiện cơ bản khi cho rằng: “Tự Do và Dân Chủ chỉ tìm thấy được ở nơi nào trình độ quần chúng tương đối cao để giúp họ phân biệt ở đâu là giới hạn của tự do của chính mình và ở đâu là khởi sự tự do của người khác. Ý thức được ranh giới giữa tự do của mình và tự do của người khác rồi, người dân còn phải tự trọng và có khả năng để tự kiểm soát và kiềm chế mình. Tự Do và Dân Chủ cũng chỉ tìm thấy được ở nơi nào nhà cầm quyền không áp dụng luật pháp tuỳ tiện mà phải áp dụng dân chủ pháp trị đúng mức” (trang 184). Thật ra quần chúng muốn có trình độ tương đối cao thì phải có sự giáo dục tức là “tập tành dân chủ” trong nhiều môi trường, đó là gia đình, trường học và xã hội. Ngoài ra chính quyền cũng phải đặt mình trong ý thức thượng tôn luật pháp thì tiến trình dân chủ mới có kết quả tốt đẹp. Để có thêm lợi khí chính trị, ông Nguyễn Bá Cẩn đã cùng với ông Trần Quốc Bửu dựa vào Tổng Liên Đoàn Lao Công để lập ra đảng Công Nông. Chính ông Cẩn làm Tổng Bí Thư của đảng này và chọn lập trường cho đảng qua quan điểm của ông Trần Quốc Bửu khi cho rằng: “Trong giai đoạn khó khăn và khẩn trương nhất của đất nước, đường lối khôn ngoan thận trọng của TLĐLC và ĐCN không thể khác hơn là chân thành hợp tác với chính quyền để phục vụ công nông, cũng như TLĐLC đã làm từ trước đến nay” (trang 222). Ông Nguyễn Bá Cẩn rút kinh nghiệm từ các hoạt động riêng của ông ở xã, ấp trước đây, đã phi bác quan niệm của nhiều người khi cho rằng nghiệp đoàn là nơi cán bộ Cộng Sản dễ móc nối và xâm nhập nhất. Sinh hoạt trong đảng Công Nông, ông thấy những cái hay của ông Trần Quốc Bửu, những kinh nghiệm tù đày quý giá của ông Bửu ở Côn Sơn trước năm 1945. Chẳng hạn như: “Ông Bửu kể cho tôi những mẩu chuyện trong khám đã làm nổi bật chí khí can trường của người này, cũng như bản tính tiểu nhân yếu hèn của một số khác. Cộng sản chỉ có lớp sơn giả dối bên ngoài, bên trong vẫn tham lam và nịnh bợ để được ân sủng. Ví dụ trong lúc đa số tù nhân phải làm những công việc nặng nhọc ngoài rừng hay công tác vệ sinh và một số khác “bất khuất” không được ra ngoài làm việc thì Tôn Đức Thắng được hầu hạ gia đình viên “Chúa ngục” người Pháp, đủ chứng minh Cộng sản biết nịnh bợ hơn quốc gia nhiều. Ngoài ra theo lời ông Bửu, điều đáng chê ghét là chiều nào Thắng cũng cõng đứa con của tên chúa ngục trên cổ và đi bộ vòng quanh các trại tù với vẻ vênh vênh tự đắc được phục vụ chúa ngục. Trong trại có thông lệ mỗi sáng điểm danh trong phòng giam. Một tên lính giữ tù đến, tay cầm cái dùi cui gõ vào đầu tù nhân, gõ ai thì người đó xưng danh tánh và số tù. Khi gõ đến Ông Phan Khắc Sửu thì ông này nín thinh. Tên giữ ngục biết là gặp phải thứ cứng đầu liền gõ mạnh hơn, gõ một hồi đầu Ông Sửu sưng vù lên trông thấy rõ. Anh em trong phòng giam sợ Ông Sửu chết bèn đến khuyên lơn Ông Sửu nên “nín thở qua sông, tội tình gì làm khổ cho mình. Bắt đầu từ đó, Ông Sửu mới chịu làm như mọi người khác” (trang 203). [4] Thật ra, nhận định của nhiều người về việc VC thường dùng nghiệp đoàn làm nơi mai phục để hoạt động không phải là không có cơ sở. Theo tài liệu của Nguyễn Văn Minh, ngay từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, một chi uỷ đảng bộ Việt Cộng trong Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam đã bị bắt với 11 thành viên giữ nhiệm vụ điều hành các ban thuộc Tổng Liên Đoàn như Văn phòng, Kiểm tra, Tổ chức, Giám thị [5] ... Việc này đã gây chấn động tại Sài Gòn lúc bấy giờ và tạo sự rạn nứt giữa ông Trần Quốc Bửu với ông Ngô Đình Nhu. Tác giả Nguyễn Bá Cẩn cũng có những nhận xét không mấy đúng khi cho rằng “các chánh đảng chưa quen thuộc sinh hoạt dân chủ với cung cách của một đảng chính trị từ việc thiết lập từ hạ tầng cơ sở nhân dân đến việc thực hiện chức năng đại diện nhân dân tại tòa nhà lập pháp, từ quan niệm về vai trò cầm quyền đến vai trò đối lập để phối hợp bồi đắp cho dân chủ được thêm bền vững và đất nước càng thêm phú cường” (trang 221), và có khi ông đi hơi xa khi phát biểu là “có một số chánh đảng xuất thân từ đảng cách mạng hoạt động kín dưới thời Pháp thuộc thì lại vừa sinh hoạt công khai như chánh đảng, vừa vẫn đối lập quá khích và âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến hiện hữu như là đối với chính quyền đô hộ của thực dân Pháp hồi xưa” (trang 221). Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Hoa Kỳ đã không tìm đến với những người quốc gia chân chính mà sử dụng những kẻ chịu làm tay sai cho họ đặc biệt là giới quân sự (young turks). [6] 2. - Từ thế đứng của lập pháp ... Có lẽ bài học dân chủ là đề tài quấn quít lấy tư tưởng và ngòi bút của tác giả Nguyễn Bá Cẩn luôn, cho nên trong chương 9, tác giả viết về vai trò Chủ tịch Hạ Viện của ông khởi đầu của Pháp nhiệm II (1971-1975). Với quyết tâm tái tạo lại uy tín cho quốc hội, ông Cẩn đã thuyết phục để Tổng Thống Thiệu “chấm dứt hẳn lề lối mua phiếu đã xảy ra hồi thời Ông Nguyễn Bá Lương” (trang 230), áp dụng một số biện pháp chế tài đối với dân biểu nào có hành động bất xứng khi xuất ngoại, nhờ đó mà về sau Hạ viện không còn bị mang tiếng về hành động lem nhem của dân biểu xuất ngoại nữa. Với tác giả Nguyễn Bá Cẩn, ông chấp nhận và tôn trọng đối lập, nhiều khi còn phải bảo vệ đối lập nữa (trang 233). Một số những câu chuyện có liên quan đến vài dân biểu có “mác” đối lập như Phan Xuân Huy (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Hàm (Quảng Ngãi), Dương Văn Ba (Bạc Liêu), Vũ Công Minh (Châu Đốc), ông Cẩn có những việc làm giúp đỡ một cách khá tế nhị và thành thật trong tình đồng viện, “vượt hẳn nhu cầu giúp đỡ thông thường” (trang 239). Ông cũng thẳng thắn với một vài dân biểu tự xưng là “thành phần thứ ba” như Lý Quý Chung qua thái độ “mị dân, lả lướt chính trị, không phân biệt bạn thù” của họ. Những vụ can thiệp của ông chỉ là để “ngăn chận những hành động lấn áp lập pháp khi dân biểu còn tại chức, và nhất là sau khi họ thất cử” (trang 242). Ông Nguyễn Bá Cẩn cũng không ngần ngại trình bày một trường hợp vi luật của dân biểu như trường hợp dân biểu Nguyễn Tấn Đời (Rạch Giá) qua vụ Tín Nghĩa Ngân Hàng. Ông dân biểu Đời đã dùng hệ thống ngân hàng riêng của ông cho những âm mưu mờ ám về kinh tế và chính trị, làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia trong thời chiến. Ông Đời bị bắt và giam cho đến ngày 29/4/75. Ông Nguyễn Bá Cẩn rất tha thiết với lý tưởng Tự do Dân chủ là điều mà ông hằng ôm ấp trong lòng nhưng khi tiến hành thể hiện trong đời sống chính trị tại Quốc hội, một số những khó khăn về nhận thức dân chủ, trình độ tri thức của người dân cử không đồng đều, thực tế trình độ của đất nước còn chưa được mở mang đúng mức, nói chung đó là những trở ngại cần cải thiện. Nhận định về ông Nguyễn Bá Cẩn, Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt, một cán bộ cộng sản nằm vùng trong báo giới Sài Gòn trước năm 1975 đã viết như sau: “Một trong những người khôn ngoan nhứt tại Hạ nghị viện từ năm 1967 đến nay phải kể là ông Nguyễn Bá Cẩn. Những người được kể vào cùng một cấp độ khôn ngoan như ông Cẩn là Hồ Ngọc Cứ, ông Nhan Minh Trang, ông Huỳnh Ngọc Anh, ông Đinh Văn Đệ... Dù đứng về phe ta nhưng ông Cẩn chẳng bao giờ làm mích lòng ai. Đối với anh em đối lập nào ông cũng có vẻ khề khà như bồ nhà. Đó là một cách xử thế tương đối không gây ác cảm với ai”. [7] Trong phần mở đầu viết về Pháp nhiệm 2 Hạ viện ở Chương 9, tác giả Nguyễn Bá Cẩn có tóm lược tình hình đất nước từ giữa năm 1971, tổng kết về sự thất bại của Cộng quân tại chiến trường, phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ, chủ trương “Việt Nam hoá chiến tranh” của TT Nixon, sự viện trợ ồ ạt của khối Cộng cho Bắc Việt, và thêm rằng “còn Bắc Việt thì được trớn tung thêm nhiều sư đoàn chủ lực vào miền Nam và huy động hàng triệu dân công biến đường mòn Hồ Chí Minh thành một “xa lộ” xuyên Hạ Lào và Đông bộ Cam Bu Chia, kèm theo ống dẫn dầu tiếp tế cho xe vận tải và chiến xa, về sau hệ thống chuyển vận này được khai triển đến tận dọc ven biên Vùng làm vào tới phía Bắc Vùng 3 Chiến thuật của VNCH ( trang 226). Tuy nhiên viết như vậy sẽ khiến người ta nhầm lẫn vì thời điểm Cộng Sản Bắc Việt xây hệ thống dẫn dầu và làm thêm con đường đông Trường Sơn (quốc lộ 14 cũ) chạy dài từ Quảng Bình vào thẳng Bình Long và Phước Long là sau khi có hiệp định Paris (27-01-1973) và nhất là sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Hỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á ngày 29/6/1973 và được lưỡng viện thông qua ngày 21/9/1973. Ngày 12/10/1973 Quốc hội Hoa Kỳ lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc. Bắc Việt đã được lợi dụng mọi tình huống tốt để thực hiện các kế hoạch xâm chiếm miền Nam (trong đó có kế hoạch hậu cần là xây dựng hệ thống dẫn dầu dọc theo đường đông Trường Sơn). Nhiều tài liệu đã nói rõ vấn đề này trong đó cần kể cuốn sách The Blood Road của John Prados, cuốn The Twenty-Five Year Century của Lâm Quang Thi, v.v. [8] Trong chương 10 có tên Đảng Dân Chủ (bố cục không được chỉnh lắm vì thấy có đề tiểu mục 1 nói về “Đảng cầm quyền” mà không thấy tiểu mục 2), tác giả tiết lộ một vài tính toán của ông Thiệu qua dự án thành lập đảng cầm quyền có tên là đảng Dân Chủ và giao cho ông Cẩn làm Tổng Bí Thư rồi sau đó lại đổi thay và đưa việc tổ chức cho ông Nguyễn Văn Ngân, và uỷ nhiệm bác sĩ Trần Minh Tùng làm Tổng Thư Ký. Vấn đề đó cũng vẫn còn có những ẩn số chính trị chờ đợi những người có liên hệ trong cuộc như cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm hiện còn sống ở Virginia, ông Nguyễn Văn Ngân hiện định cư tại California, hoặc bào đệ của ông là bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, cựu dân biểu Tuyên Đức, hiện sống ở Houston, lên tiếng soi sáng thêm. Đối với những người hoạt động chính trị qua môi trường đảng phái, sự liên tục trong một tổ chức nói lên sự gắn bó vì tin tưởng vào khả năng lãnh đạo cùng tinh thần đạo đức của lãnh tụ và anh em cán bộ, đồng chí và thêm nữa, sự cọ xát trong sinh hoạt đấu tranh cùng những mối liên lạc mật thiết với cơ sở chính là những chất keo liên kết các thành viên lại với nhau. Đưa một người lãnh đạo từ tổ chức chính trị này sang một tổ chức chính trị khác mà không chuẩn bị lập trường, tư tưởng, thời gian thì cũng không khác chi thuyên chuyển một viên chỉ huy quân sự vậy. Thật đúng là phong cách của một quân nhân làm chính trị, nghĩa là chỉ biết ra lệnh, chẳng biết chi sinh hoạt chính trị đảng phái cả. Ông Thiệu cũng từng tham gia kháng chiến chống Pháp, vào Đại Việt Quốc Dân Đảng, rồi Cần Lao nhưng là một người theo chủ nghĩa cơ hội nên không có kinh nghiệm gì về đảng phái hết. Cái gì có lợi cho ông thì ông làm, thế thôi. Sau đợt VC tấn công trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, ông Thiệu công bố sắc luật 007 khai tử tất cả các đảng phái quốc gia và chỉ dành độc quyền sân khấu chính trị miền Nam cho đảng Dân Chủ của ông mà thôi. 3. - Nhìn vào bản hiệp định Ba Lê. Trong hồi ký Đất Nước Tôi, ông Nguyễn Bá Cẩn đã nêu rõ những nỗ lực của lập pháp và hành pháp VNCH trong việc chống lại áp lực của Hoa Kỳ chung quanh việc ký vào bản dự thảo hiệp định Ba Lê. Sự liên hệ mật thiết giữa ông Nguyễn Bá Cẩn với ông Thiệu cho phép tin rằng những điều tác giả đưa ra là nhằm biện hộ cho việc làm của ông Thiệu dù rằng trong lúc sinh thời đáng lẽ ông Thiệu phải tự mình trình bày trước công luận những sự việc có liên quan trực tiếp đến vận mạng của Việt Nam Cộng Hòa mà ông là người lãnh đạo. Những trang nằm trong Đất Nước Tôi viết về quá trình vận động ký hiệp định Ba Lê ghi lại dưới hình thức nhật ký, cho thấy tác giả đã chú tâm ghi lại mọi diễn biến cần thiết để chứng minh cho các nỗ lực của giới lãnh đạo Miền Nam. Ngày nay đã có rất nhiều tài liệu, tác phẩm viết rõ về hiệp định Ba Lê được xuất bản theo cùng với các tư liệu Hoa Kỳ được giải mật cho phép đối chiếu cụ thể vào những điều tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã viết trong tác phẩm của ông. Chính những người đã trực tiếp hình thành nội dung bản hiệp định như Nixon, Kissinger cũng đã viết những cuốn sách đề cập đến các diễn tiến quân sự, chính trị có liên hệ đến hiệp định này như No More Vietnams, Ending The Vietnam War. Trong sách No More Vietnams, cựu TT Nixon đã lừa bịp dư luận bằng cách đổ tội cho Quốc Hội Hoa Kỳ đã chặt tay chặt chân ông trong vấn đề Việt Nam bằng đạo luật War Power Act [9]. Cựu ngoại trưởng Kissinger cũng lấp liếm hành động bán đứng VNCH của mình qua một số tư liệu của ông xuất bản trước đây, nhất là trong cuốn sách Ending The Vietnam War [10]. Kissinger còn cẩn thận bằng cách đưa ra một qui định rằng sau khi ông ta chết 5 năm thời gian giải mật các tài liệu có liên hệ tới ông ta mới được bắt đầu. Trong hồi ký Đất Nước Tôi ở trang 275 tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho rằng ông Thiệu đã đạt được những điều cam kết của Hoa Kỳ như sau: tiếp tục viện trợ cho VNCH, qua cuộc viếng thăm của Phó TT Agnew công bố chính thức lời cam kết yểm trợ VNCH để trấn an các quốc gia ĐNA, ông Thiệu sẽ được mời sang HK để được cam kết sẽ trả đũa CS nếu hiệp định Ba Lê bị vi phạm, VNCH sẽ nhận được viện trợ chiến cụ 1 tỉ đô la theo điều khoản “một đổi một” trong hiệp định. Ông Nguyễn Bá Cẩn cũng cho rằng sở dĩ ông Thiệu phải ký hiệp định Ba Lê là vì nếu không Hoa Kỳ cũng đơn phương ký và trong trường hợp đó VNCH sẽ buộc lòng phải đối phó với Cộng quân một mình, không viện trợ, không đồng minh (trang 273). Trong tác phẩm Gọng Kìm Lịch Sử, ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ đã có những nhận định nhẹ nhàng và tỏ ra cảm thông với tình trạng khó khăn của chính quyền, viết rằng: “Bản Hiệp Định này đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ôn lại lịch sử và nếu chỉ giới hạn phần nhận định vào những yếu tố đưa đến việc ký kết bản hiệp định, thì vào thời điểm ấy, giữa một hoàn cảnh éo le, công bằng mà nói, quả thực ông Thiệu không có sự lựa chọn và những cố gắng khá kiên nhẫn của ông trong một giai đoạn gay cấn đã buộc Hoa Kỳ phải điều đình lại với Bắc Việt một số điều khoản bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Rồi đến giờ phút của sự thật, giữa hai thái độ, hoặc từ chối bản hiệp định với hậu quả là bị Hoa Kỳ bỏ rơi, hoặc chấp nhận với hy vọng Hoa Kỳ sẽ giữ lời hứa sẽ tiếp tục viện trợ cho Việt Nam và có biện pháp mạnh nếu Bắc Việt vi phạm những điều đã ký kết: dĩ nhiên ông phải chọn thái độ thứ hai”. [11] Trong một công trình biên khảo năm 1977 (chưa xuất bản) có tên A Parade of American PuppetsCuộc diễn hành của những tên bù nhìn Mỹ), linh mục Nguyễn Phương đã tổng quát về con người ông Nguyễn Văn Thiệu bằng những dòng như sau: “Thiệu là người bản chất dễ uốn nắn. Rất tham vọng và xảo trá, ông ta chẳng hề tận tuỵ với bất cứ ý thức hệ nào kể cả chính nghĩa quốc gia. Không rỗng tuếch và ồn ào như Nguyễn Cao Kỳ, ông lạnh lùng và điệu nghệ hành xử theo chỉ dẫn của những kẻ bảo trợ cho ông. Cũng là hạng người mới phất lên như Khánh và Kỳ, ông ta là người thận trọng và tài năng hơn... Ông tham nhũng, nhưng điều đó có hề chi đối với Hoa Kỳ khi mà tham nhũng được dùng như là phương tiện cho Hoa Kỳ tự do hành động trong một quốc gia khác. Ông độc đoán nhưng điều đó cũng không làm cho Hoa Kỳ bận tâm vào một thời điểm mà nhà độc tài lại cần thiết để ổn định nền chính trị và để đơn giản hoá tiến trình của một quyết định nào đó”. [12] Nhiều người cho rằng tướng Thiệu độc đoán, có rất ít kinh nghiệm về chính trị và quân sự, làm việc thiếu khoa học, luôn luôn sợ trách nhiệm nên các lệnh lạc thường úp mở không rõ ràng nên làm hỏng đại cuộc. Các cộng sự viên của ông như Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Bá Cẩn, kể cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm cũng không được tham khảo ý kiến ngay cả trong những vấn đề lớn như rút bỏ Kontum, Pleiku, bỏ Quảng Trị Thừa Thiên rồi toàn bộ Miền Trung sau đó. Rõ ràng với hiệp định Ba Lê, vận mệnh của VNCH đã chênh vênh trên bờ vực thẳm và những người cha đẻ ra bản hiệp định này chính là những kẻ đã phản bội đồng minh, hy sinh quyền lợi sống còn của đồng minh cho quyền lợi cá nhân của họ. Trong chương 12 của A parade of American Puppets, sử gia Nguyễn Phương đã đặt cho cái tên là “Thieu and The Nixon’s Sell-Out Of South Vietnam” (“Thiệu và Nixon bán đứng Miền Nam Việt Nam”) phân tích khá kỹ lưỡng về những sự kiện và tính toán trong chính trị của những người đứng đầu Hoa Kỳ và VNCH lúc bấy giờ. Chương sách cũng đề cập đến việc TT Thiệu chỉ ra ba điểm chính và đặt vấn đề với Kissinger: tại sao cấu trúc ba thành phần của Hội đồng hòa hợp hòa giải dân tộc lại có chức năng thực thi hiệp định, tại sao trong hiệp định lại có ba quốc gia, và tại sao không nói đến việc CSBV rút quân. Kissinger đã thừa nhận hai điểm đầu là có sự hiểu lầm nhưng điểm sau cùng thì đó là chính sách của Hoa Kỳ từ năm 1970. [13] Ở cuối chương đó, tác giả Nguyễn Phương viết rằng: “Trong đêm 23 và 24 tháng Giêng, các viên chức Hoa Kỳ mừng vui. Ở Paris, Kissinger tươi cười xuất hiện bên cạnh Lê Đức Thọ, nồng nhiệt bắt tay nhau nhiều lần. Ở Hoa Thịnh Đốn, trong một bài diễn văn truyền hình, Nixon tường trình cho dân chúng Hoa Kỳ rằng “Sự cứng rắn của quốc dân trong việc ủng hộ chúng tôi kiên trì tranh đấu cho một nền hòa bình trong danh dự đã có thể tạo được một nền hòa bình trong danh dự vậy”. Nhưng nền hòa bình này chẳng bao lâu đã trở thành một trò bịp lớn nhất thế kỷ. (the biggest bluff of the century) cũng là đối đích của giải thưởng Nobel nhưng nó chẳng bao giờ là nền tảng của bất cứ một thứ danh dự nào. Giải thưởng này đáng ra phải nói rằng được trao từ tay của Mạc Tư khoa thì đúng hơn cả” [14] Phụ họa với chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn, đại sứ Bunker ở Sài Gòn trong buổi sáng ngày 24 tháng giêng, đã bước vội vào phòng hội ở lầu ba tòa đại sứ Hoa Kỳ, tuyên bố trong giòng lệ của khóe mắt: “Đây là một ngày lớn đối với tất cả chúng ta. Đã có đình chiến”. [15] Người Mỹ thật giỏi đóng kịch! Trong cuốn sách The Final Collapse (bản dịch tiếng Việt có tên là Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa), Đại tướng Cao Văn Viên có viết rằng: “Thông thường, các hiệp định đình chiến đòi hỏi hai phe tham chiến tập trung vào hai vùng riêng biệt, ngăn cách bởi một khu phi quân sự hay một ranh giới rõ rệt. Khuyết điểm quan trọng nhất của hiệp định Ba Lê đã đưa đến hậu quả tai hại sau này là việc không đề cập đến, và không bắt buộc quân đội Bắc Việt rút ra khỏi lãnh thổ VNCH. Như vậy hiệp định Ba Lê có thể so sánh như một sợi giây thòng lọng VNCH phải mang vào cổ, chờ ngày bị xiết chặt cho đến chết”. [16] Trong một tác phẩm xuất bản gần đây có tên No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam [17], tác giả Larry Berman, giáo sư chính trị học tại Đại học U. C. Davis, California, hiện làm Giám đốc Trung tâm Đại Học California ở thủ đô Washington đã đưa ra những tư liệu mới khẳng định sự gian trá của Kissinger trong các cuộc mật đàm bán đứng VNCH cho CS Hà Nội. Điều khoản quan trọng nhất của hiệp định đó là sự hiện diện của 150, 000 quân đội Bắc Việt để lại Miền Nam mà chính tướng Thiệu đã chống đối quyết liệt nhưng cuối cùng cũng phải chịu khuất phục dưới áp lực của Hoa Kỳ. Theo giáo sư Berman, trong dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày ký hiệp định Ba Lê, Kissinger đã tuyên bố là, “không có một pháp lý nào ràng buộc lời hứa của Nixon đối với VNCH trong hiệp định” [18]. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho luật sư Lâm Lễ Trinh tướng Thiệu đã hé mở cho thấy chính ông bị ám ảnh về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi chống lại chính sách của Hoa Kỳ [19]. Dầu sao thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi tướng Thiệu phải có bản lãnh như như cố TT Ngô Đình Diệm được; và những lời bào chữa của tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho người đứng đầu nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong việc ký bản hiệp định cũng không làm nhẹ bớt trách nhiệm để mất Miền Nam của ông ta. 4. - Miền Nam trên tiến trình sụp đổ. Nghiên cứu lại về tương quan lực lượng giữa QLVNCH và Cộng quân tức là so sánh hỏa lực và quân số, việc tái phối trí cùng những hậu quả của nó, những vận động chính trị trên số mệnh của Miền Nam Việt Nam là những vấn đề cần được nhìn lại để đối chiếu với những điều do tác giả Nguyễn Bá Cẩn viết. Về lực lượng Cộng quân so với quân số của QLVNCH, tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho biết tại cao nguyên Trung phần là 5 chọi 1 về bộ binh và 2 chọi 1 về chiến xa và pháo binh (trang 338). Điều này cũng phù hợp với tài liệu của đại tướng Cao Văn Viên tuy nhiên trong trận Ban Mê Thuột, tác giả The Final Collapse cho biết: “Một lần, theo sự khẩn cầu của đại tá Trịnh Tiếu, trưởng phòng tình báo quân đoàn, tướng Phú có ý định đem tất cả sư đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột. Nhưng vào phút chót – nghe theo lời cố vấn của vị tư lệnh sư đoàn, chuẩn tướng Lê Trung Tường – tướng Phú chỉ cho trung đoàn 53 về Ban Mê Thuột, giữ hai trung đoàn 44 và 45 ở lại Pleiku”. [20] Trong cuốn Cruel Avril 1975, La chute de Saigon, Olivier Todd cho biết tướng Văn Tiến Dũng bố trí 25.000 quân trong khi lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột chỉ có khoảng 1.200 quân mà thôi. [21] Ở bài “Bí mật về mặt trận Ban Mê Thuột”, trích từ tập Những biến cố cần được ghi lại, cố Đại tá Trịnh Tiếu than thở rằng: “Nếu như ngày 1-3-75 đoàn xe của Sư đoàn 23 di chuyển về Ban Mê Thuột không bị Tướng Phú bắt trở lại Pleiku, thì đâu ta có thiếu quân trầm trọng như thế này?”[22]. Trong một tiểu mục của bài nói trên, tác giả Trịnh Tiếu đã viết về Trung Tá Võ Ân, người hùng của trận Ban Mê Thuột như sau: “THUA NHƯNG ĐÃ LÀM TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG NỂ MẶT. - Trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân của Tướng Văn Tiến Dũng đã viết: ‘Trên cơ bản, ta đã chiếm và làm chủ thị xã Ban Mê Thuột lúc 10 giờ 30 ngày 11- 3- 75, tuy nhiên tại phi trường Phụng Dực (Ban Mê Thuột) địch đã kiên cường chiến đấu với ta trong suốt sáu ngày đêm, không cần biết là Ban Mê Thuột đã bị mất trong hai ngày. Tôi phải chỉ thị bất cứ giá nào cũng phải đánh tan thành phần còn lại của Sư Đoàn 23.’ Trung Tá Võ Ân, người hùng của Sư Đoàn 23 đã làm cho Cộng quân phải kính nể. Tiểu Đoàn của ông đánh tan nhiều đợt tấn công của Cộng quân có chiến xa yểm trợ. Không còn đạn chống chiến xa, ông đã chỉ thị cho binh sĩ thâu lượm súng và đạn B 40, B 41 của Cộng quân để bắn cháy chiến xa T 54. Địch đã sử dụng 3 Trung Đoàn luân phiên đánh vào vị trí của ông nhưng lần nào cũng bị thảm bại. Cuối cùng ông đành phải bỏ căn cứ vì không còn ai tiếp tế đạn dược và thuốc men cho đơn vị của ông cả”. [23] Trung Tá Võ Ân được thăng đặc cách Đại Tá mặt trận. Sau ngày 30-4-75, ông bị CS cầm tù hơn 12 năm tại các trại Tân Lập, Phong Quang, Hà Tây và Nam Hà. Năm 1994 ông định cư tại Hoa Kỳ, tiểu bang Minnesota, và mất năm 1998. Ở trang 431, tác giả Nguyễn Bá Cẩn cũng nhắc lại tương quan quân số CS với QLVNCH là 5 chọi 1. Trong cuốn The Final Collapse, đại tướng Cao Văn Viên cho rằng “đối đầu với năm sư đoàn và nhiều trung đoàn độc lập của CSBV, Quân Đoàn I chỉ có ba sư đoàn bộ binh, sư đoàn TQLC, bốn liên đoàn BĐQ và một thiết đoàn kỵ binh. Vì nằm sát ranh giới của địch, Vùng I có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. CSBV còn vài sư đoàn tổng trừ bị vẫn còn nằm ở miền Bắc. Như vậy, CSBV vẫn có thế thượng phong về quân số và lối bố trí quân so với quân ta” [24]. Nói một cách cụ thể, Thiếu Tướng John E. Murray, Chỉ Huy Trưởng Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Hoa Kỳ, 1974 đã nhận định về lý do Hoa Kỳ thua trận ở Việt Nam: “Nếu muốn biết về cuộc chiến Việt Nam thì phải biết về chiến tranh. Muốn biết về chiến tranh thì phải biết tính toán đôi chút. Trong thời cao điểm của lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam, chúng ta có tất cả 433 tiểu đoàn tác chiến Mỹ và Đồng Minh; địch có 60 trung đoàn (180 tiểu đoàn). Năm 1974, khi chúng ta rút lui, VNCH có 189 tiểu đoàn; địch tăng lên 110 trung đoàn (330 tiểu đoàn). Lấy đi B-52, F-4, lấy đi hải pháo, lấy đi tất cả... Và ta bắt đầu yểm trợ Miền Nam với 2% tổng số tiền đã dùng cho quân đội Mỹ, để đương đầu với số dịch quân nhiều hơn. Ta phải nhớ, Nã Phá Luân đã từng nói: “Thượng đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất”. Đúng như vậy. Thượng đế đã đứng về phe cộng sản vào năm 1974; quân họ đông hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao chúng ta thua chiến tranh Việt Nam”. [25] Tuy nhiên, riêng về trường hợp Vùng I, trong một tài liệu viết thời gian gần đây, tác giả Lữ Giang cho biết tương quan lực lượng của ta với Cộng quân với những chi tiết rõ ràng và nhận xét của ông: “Trong những tháng đầu năm 1975, tình hình Cộng quân và Việt Nam Cộng Hòa Vùng I như sau: Về phía Cộng quân: Sư Đoàn 325 ở phía tây Đông Hà (Quảng Trị), Sư Đoàn 324B ở phía tây Huế, Sư Đoàn 304 ở phía tây Đà Nẵng (giữ Thường Đức), Sư Đoàn 710 và Lữ Đoàn 52 ở Quảng Tín và Quảng Ngãi, Trong 4 Sư Đoàn nầy chỉ có Sư Đoàn 304 là thiện chiến, nhưng không sư đoàn nào có đủ quân số. Hai Sư Đoàn 324B và 325 đã bị rút mất mỗi sư đoàn một trung đoàn để tăng cường cho Sư Đoàn 304 ở Đà Nẵng và Sư Đoàn 316 đi đánh Ban Mê Thuột. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lầm tưởng Sư Đoàn 308 còn hoạt động ở một nơi nào đó tại Quân Khu I, nhưng trong thực tế sư đoàn này đã bị xoá tên trong trận Quảng Trị năm 1972. Về sau, khi Quân Khu II đã bị mất, tình hình miền Nam rối loạn, Cộng quân mới chuyển thêm Sư Đoàn 341, một sư đoàn trừ bị mới lập ở Quảng Bình, vào tiếp ứng để dứt điểm. Về phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Quân Đoàn I đã có sẵn 3 sư đoàn bộ binh là Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 3, và 5 Liên Đoàn Biệt Động Quân, lại được tăng cường thêm Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến và hai Lữ Đoàn Dù. Lực lượng trên được phối trí như sau: - Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, Lữ Đoàn 2 Dù và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh đóng ở Quảng Trị. - Sư Đoàn 1 (4 Trung đoàn) và Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân đóng ở Thừa Thiên. - Sư Đoàn 3, Lữ Đoàn 2 Dù và Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân đóng ở Quảng Nam-Đà Nẵng . - Sư Đoàn 2 và Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân đóng ở Quảng Tín. Liên Đoàn 11 Biệt Động Quân đóng tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, Quân Đoàn I còn có Hải Quân và Không Quân. Như vậy lực lượng của Quân Lực VNCH mạnh hơn lực lượng của Cộng quân nhiều”. [26] So sánh về quân số giữa các bên lâm chiến cũng là vấn đề quan trọng nhưng có lẽ tinh thần chiến đấu hay chiến tâm mới là yếu tố quan trọng hơn. Người xưa có nói: “Nuôi quân nghìn ngày dùng trong một buổi”, QLVNCH được huấn luyện và nuôi dưỡng trong hai mươi năm nhưng thật sự dùng được bao ngày sau biến cố Ban Mê Thuột và trừ trận chiến của Sư Đoàn 18 tại Xuân Lộc? Nhận định về chiến thuật tái phối trí của Tổng thống Thiệu được mệnh danh là “đầu bé đít to” tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho biết: “Trong hoàn cảnh hiện tại vì sự cắt giảm quân viện, lợi thế di động tính của ta không còn nữa thì TT Thiệu cho tôi biết với phương tiện eo hẹp hiện có trong tay, không còn cách nào khác hơn là thu hẹp chu vi phòng thủ (defense perimeter) và do đó ông sẽ phải di tản vùng Cao nguyên để chỉ còn nắm giữ Vùng duyên hải từ Huế vào tận Phan Rang cùng hai Vùng Chiến thuật còn lại là Vùng 3 và 4. Tôi cũng đồng ý với TT Thiệu là cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía Bắc Việt và sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, khó có thể giữ vững Cao Nguyên” (trang 482). Có dư luận cho rằng cái gọi là chiến thuật tái phối trí chỉ là trò tháu cáy của TT Thiệu được thực hiện tại chiến trường Phước Long rồi đến chiến trường Cao nguyên để dò xem phản ứng của Hoa Kỳ có tái can thiệp hay không mà không nghĩ đến hậu quả tai hại vô lường của nó. [27] Trong The Final Collapse, Đại tướng Cao Văn Viên nhận định rằng: “Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và nhân dân bị huỷ diệt là kết quả trực tiếp của kế hoạch tái phối trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23BB, nhưng tất cả các đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được Ban Mê Thuột cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở Vùng II. Vùng II vẫn còn sư đoàn 22BB, cộng thêm một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh, và hai sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ cộng sản có thể thành công, đánh nhanh và chiếm nhiều đất được như họ đã làm ở Vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của VNCH vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: thiếu thốn về quân viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội VNCH sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện” [28]. Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam không thiếu những trường hợp phải triệt thoái khỏi một căn cứ để tái phối trí lực lượng, nhưng triệt thoái để trở nên lộn xộn và thảm bại như QLVNCH ở Vùng II và Vùng I thì thật là không thể hình dung nỗi khiến cho tướng Westmoreland đã phải phê bình: “Đây là một sự triệt thoái hỗn loạn nhất mà tôi chưa từng thấy”. [29] Những luận đoán của vị cựu Tổng Tham Mưu Trưởng của QLVNCH có lẽ cũng là suy tư ray rứt của nhiều người dân Miền Nam trước đây nhưng tiếc thay ông đã không có những góp ý cụ thể và dứt khoát với ông Thiệu để đến nỗi đất nước mất vào tay CS như đã thấy trước đây. Một vài đoạn của cuốn hồi ký Đất Nước Tôi (từ trang 349 đến 356) biện hộ cho việc TT Thiệu bỏ Miền Trung trong đó có Huế, buộc tội tướng Ngô Quang Trưởng nhưng trong một cuộc phỏng vấn do ông Lê Bá Chư ghi lại, tướng Trưởng sau nhiều năm im lặng, đã tiết lộ nhiều chuyện liên hệ đến lập trường bất nhất của ông Thiệu trong quyết định bỏ Huế. [30] 5. - Chính nghĩa phục vụ cho ai? “ Tất cả đã bỏ rơi...”, đó là tiếng kêu thương của Cựu hoàng Bảo Đại trong tập hồi ký Con Rồng Việt Nam [31] của ông khi ông nhắc rằng các nước đã ký tên bảo đảm việc thi hành hiệp định Ba Lê đã không hề lên tiếng khi VNCH bị Cộng quân tấn công, và đó cũng là tiếng kêu thương của hàng chục triệu đồng bào Việt Nam từ Quảng Trị đến Cà Mâu sau trận Ban Mê Thuột cho đến ngày 30/4/75. Nỗi kêu thương đó có lẽ cũng là nội dung của gần một phần ba cuốn sách của tác giả Nguyễn Bá Cẩn ghi lại từ chương 15 đến chương 20 các biến cố quân sự và chính trị ở Miền Nam Việt Nam với các đề mục như Sự sụp đổ, Thủ Tướng Chính phủ, Tổ Quốc lâm nguy, Tại sao Miền Nam thua, Việt Nam Cộng Hòa bị bán đứng và sau cùng là Đoạn kết. Phân tích khái quát những nhận định chủ quan cũng như khách quan của tác giả Đất Nước Tôi về ý thức hệ quốc gia, về các biến cố chính trị, quân sự, các lý do khiến cho VNCH phải thua trong trận chiến tranh này nằm trong các chương kể trên cũng chỉ là góp thêm tiếng nói để sự thật lịch sử được soi sáng thêm. Đối với người Cộng sản, sử dụng các bộ môn văn hoá, nhất là sử học để biện minh cho việc làm của mình trong đó có việc cướp chính quyền của nhà Nguyễn từ năm 1945 qua các diễn biến từ đó cho tới ngày nay, vốn là công tác thường xuyên của họ. Một nhà sử học Cộng Sản, Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử Học Hà Nội đã từng công khai tuyên bố tại Trường Đại Học Paris VII năm 1988 rằng: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới”. Luận điểm này thật ra không phải là chính sách mới mẻ nhưng đã được vận dụng trong nhiều thập niên về trước. Người Cộng sản luôn luôn dùng sử học làm công cụ để biện minh cho các chính sách, lập trường của chế độ, chẳng hạn như đề cao triều đại Tây Sơn, triệt hạ và tố cáo triều Nguyễn đặc biệt là hạ bệ Gia Long và các triều thần nhà Nguyễn sau này. Cụ thể là trên Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử của chế độ Hà Nội, qua nhiều kỳ báo trong năm 1962, 1963 giới cầm quyền Hà Nội đã cho mở hội nghị chuyên đề dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu để đấu tố cụ Phan Thanh Giản (1796-1867), kết tội cụ Phan Thanh Giản là đã “phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc” do việc ký hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) và dâng nạp ba tỉnh miền Tây cho Pháp mà trong thâm sâu của bọn chủ trương là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ nhắm triệt hạ uy tín của phe trí thức miền Nam đang sống ở Hà Nội lúc bấy giờ [32] . Chính nghĩa chắc chắn là cái dụng tâm của người Cộng sản nêu ra để khỏa lấp cái dung mạo bất chính thống của họ, theo quan điểm [33] của một nhà nghiên cứu sử học Miền Nam trước năm 1975, ông Tạ Chí Đại Trường, và người Cộng Sản đã sử dụng ngôn từ theo sáng kiến của họ để qua đó sơn phết lại hình bóng lịch sử, viết lại lịch sử theo quan điểm của họ. Cái gọi là cuộc “kháng chiến thần thánh” chống Pháp rồi chống Mỹ hoặc “chiến tranh giải phóng” trong đó các cụm từ như chính nghĩa, Việt gian, phản động v.v. được sử dụng hết sức rộng rãi ngay cả có khi trở thành mật khẩu [34] cần thiết trên bước đường lưu lạc trong chiến tranh, đã phần nào mê hoặc được nhiều người từ hạng dân dã ít học đến thành phần trí thức. Tác phẩm của ông Nguyễn Bá Cẩn trong phần đầu cũng như phần cuối tiếc thay lại nằm trong vòng ảnh hưởng của những tì vết tuyên truyền tai hại đó. Ở trang 452, ông Nguyễn Bá Cẩn viết một cách chung chung rằng “cội rễ của chiến tranh xâm lăng miền Nam cũng không phải bắt đầu từ lúc CSBV tung quân vào Nam sau hiệp định Genève hay hiệp định Ba Lê mà đã bắt nguồn từ khi Hồ Chí Minh nhận chỉ thị của Borodin thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương hồi năm 1930 với sứ mạng nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á”. Và ở trang 454, ông Nguyễn Bá Cẩn cho rằng “Pháp và Đồng Minh (Anh Quốc, Hoa Kỳ, v.v.) đã thua chiến tranh Đông Đương vì không có chính nghĩa”. Việc phái đoàn Borodin của Liên Xô có mặt tại Quảng đông cuối năm 1924 do lời mời của Tôn Dật Tiên nhằm giúp tổ chức Quốc Dân Đảng theo đường hướng đảng Cộng Sản Nga. Hồ Chí Minh làm việc với phái đoàn đó trong tư cách là một thông dịch viên và đại diện của tổ chức Nông Dân Quốc Tế. 35 Có lẽ người mà Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng là Dmitri Manuilsky và Hồ đã nhận chỉ thị thành lập đảng CS Đông Dương qua tay Hilaire Noulens, chủ nhiệm Văn Phòng Viễn Đông (Văn phòng địa phương của Quốc Tế Cộng Sản đóng ở Thượng Hải) hơn là do Borodin [36]. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh tại Trung Quốc [37], tác giả Tưởng Vĩnh Kính đã đưa ra rất nhiều tài liệu để chứng minh rằng Hồ Chí Minh là một người lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để thực hiện chủ nghĩa Cộng sản. Chính nghĩa mà họ Hồ đã rêu rao từ năm 1945 đến ngày nay là chiêu bài hoa mỹ để lừa bịp cả một dân tộc, nói chi đến người nước ngoài. Ngay từ năm 1945, khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, các đảng phái quốc gia như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Duy Dân, Dân Chính, Quốc Xã v. v... đã công khai chống lại Việt Minh vì họ biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Các trận tuyến công khai giữa phe quốc gia với phe Cộng sản đã bùng nổ mãnh liệt ngay ở tại Bắc Việt. Các chiến khu và trường huấn luyện quân sự của Mặt Trận Quốc Dân Đảng ở Thanh Hoá, Lào Kay, Yên Bái, Chapa 38 dù còn những mặt yếu kém nhưng chứng tỏ quyết tâm của người quốc gia. Các vụ Ôn Như Hầu, Đỗ Hữu Vị, vụ cầu Chiêm Sơn ở Quảng Nam chứng tỏ chính nghĩa dân tộc nằm về phía quốc gia chứ không phải là phía cộng sản. Cho rằng Pháp và Đồng Minh đã thua cuộc chiến Đông Dương vì không có chính nghĩa rồi ở trang 455 lại viết rằng “đó là một cuộc chiến dựa trên lý thuyết và đường lối Mác Lê chủ trương khai thác hận thù giai cấp. bạo động, khủng bố để cộng sản hoá đất nước theo lệnh của Nga sô và Trung Cộng” có lẽ ông Cẩn cũng mơ hồ không biết chính nghĩa nằm ở đâu. Và tác giả Nguyễn Bá Cẩn trả lời như thế nào về việc có rất nhiều người bỏ kháng chiến về thành sau khi thấy được dã tâm bịp bợm của người Cộng Sản, không lẽ họ hoàn toàn là những kẻ không chịu đựng được gian khổ, thiếu thốn vật chất sao? Nhận định của ông Nguyễn Bá Cẩn rằng “Việt Nam dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đã thua vì sai lầm chiến lược và quân phiệt thao túng” (trang 464) hoàn toàn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Các chứng liệu thành văn, các tư liệu trong sách báo, các kinh nghiệm của rất nhiều nhân chứng còn sống đúc kết qua những phần chúng tôi đã trình bày trước đây cho thấy giá trị lịch sử của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa và những người lãnh đạo chính của cơ chế. Ngoại trừ những người có thành kiến đối với chế độ của Cố TT Ngô Đình Diệm và đã nói lên quan điểm thù ghét của họ đối với chế độ này, người có lương tâm, nhất là người quốc gia chân chính, có cơ hội cầm bút thiết tưởng nên cẩn trọng trong sự phê phán của mình, nhất là khi người đó có ý định góp thêm tiếng nói của mình cho các thế hệ trẻ sau này. Thêm nữa, ông Nguyễn Bá Cẩn còn cho rằng “chính sách Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam đưa đến sự thất bại của VNCH trên cả ba bình diện chính trị, quân sự và ngoại giao”. Nhận định này tỏ ra quá võ đoán. Người chống đối chính sách Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam là Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua đó thể hiện khả năng tiên liệu của giới lãnh đạo miền Nam trước ngày xảy ra biến cố 1-11-1963. Là một trong những người lãnh đạo của chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa, tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã cô đọng rõ chính sách của Hoa Kỳ trong việc bán đứng Việt Nam Cộng Hòa trong chương 19 là một chương cần thiết của cuốn sách, và dù hay dù dở các sự thật về sự kiện đó cũng phải được trình bày ra trước công luận, nhất là để làm bài học thấm thía cho những người quốc gia chân chính bây giờ và hậu thế. Những thiếu sót của tác giả trong chương này lẽ dĩ nhiên cần được bổ túc trong kỳ tái bản, hoặc có khi người khác sẽ khai triển thêm về vấn đề này. Một số ghi chú của tác giả Nguyễn Bá Cẩn có liên quan đến việc Đại Việt Cách Mạng Đảng, sau khi TT Thiệu ban hành sắc luật 007, đã có những hành động hỗ trợ Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, cũng là những nhận định mang nhiều thiên kiến. Ở trang 286, ông Nguyễn Bá Cẩn viết rằng: “các giáo xứ xung quanh Sài Gòn lâu nay là một lực lượng chuyên biểu tình chống Cộng và yểm trợ chính quyền để quân bình thế đối lập với Phật giáo Ấn Quang nay bỗng nhiên nghe theo lời sách động chống tham nhũng của Linh mục Thanh xuống đường gây rối, bạo động ẩu đả với lực lượng an ninh, đập phá công ốc, đốt xe Cảnh sát, gây thiệt hại cho tài sản quốc gia và làm suy sụp khí thế chống Cộng, còn hơn là những cuộc biểu tình bạo động của Phật giáo Ấn Quang lúc trước”. Rõ ràng là ông Cẩn đã có sẵn một mô hình của những cuộc biểu tình bạo động từng xảy ra từ năm 1963 đến 1966 của khối Phật giáo Ấn Quang tại Sài gòn và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng để qui chụp cho mấy cuộc mít-tinh của giáo dân Công giáo ở Tân Sa Châu, Tân Chí Linh tháng 8 năm 1974. Xin ông Nguyễn Bá Cẩn cho biết công ốc nào ở Sài gòn bị đốt phá? xe cảnh sát bị đốt thuộc chi cuộc nào ? Những hành động như “đập phá công ốc, đốt xe Cảnh sát” hoàn toàn là do ông Cẩn tưởng tượng chứ trong thực tế không hề có những chuyện đó. Trong một lần Phong Trào Chống Tham Nhũng tổ chức mít-tinh tại giáo xứ Tân Sa Châu, cảnh sát dã chiến đã đàn áp một cách hung bạo bằng cách đánh trọng thương cụ Đỗ Sinh Tứ, dân biểu tỉnh Gia Định phải đi nằm bệnh viện, đánh gãy chân dân biểu Đặng Văn Tiếp, đấm vào mặt Linh mục Trần Hữu Thanh vỡ cả kiếng mặc dù ngài bận áo chùng thâm Dòng Chúa Cứu Thế. Các sự việc đó xảy ra giữa ban ngày ban mặt, có báo chí chứng kiến và đăng tải và nhất là mọi hoạt động có liên hệ tới dân biểu đều được báo cáo tường tận cho chủ tịch Hạ viện, nhưng không thấy ông Chủ tịch Cẩn hỏi han một chút nào đối với những người bạn đồng viện đấu tranh cho dân chủ, dân sinh mà bị hành pháp cho lực lượng đả thương tận tình? Cả hai ông Đỗ Sinh Tứ và Đặng Văn Tiếp vốn là đồng viện của ông Nguyễn Bá Cẩn, một người đã chết già ở Đức sau khi bị CS cầm tù bảy năm (cụ Đỗ Sinh Tứ), còn dân biểu Đặng Văn Tiếp thì bị tên trật tự Bùi Đình Thi đánh chết trong trại tù Thanh Cẩm sau chuyến vượt ngục không thành ngày 02/5/1979, được ghi lại tường tận và rất bi thảm trong quyển bút ký Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ. Những trường hợp đau thương đó không thấy ông Nguyễn Bá Cẩn nhắc đến dù chỉ một giòng trong cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của ông. Trong bài báo “Đọc hồi ký của một Thủ tướng”, tác giả Nguyễn Trần Quý, một người đàn em Trường Quốc Gia Hành Chánh sau ông Cẩn 10 năm đã vô tư hơn khi viết rằng: “Việc Linh Mục Trần Hữu Thanh tổ chức biểu tình ‘chống tham nhũng’ thì chính ông Nguyễn Bá Cẩn đã viết: “Ngoài Cha Thanh là người chống đối “mặt nổi” còn có lãnh tụ Đại Việt, ông Hà Thúc Ký hiệp lực “hoạt động chìm” với Phong Trào Chống Tham Nhũng” (trang 382). Tác giả đã biết Cha Thanh là mặt nổi còn Đại Việt là phần chìm thì đã đủ chứng minh rằng Giáo Hội (Đức TGM Nguyễn Văn Bình) không là động lực thúc đẩy việc làm của Cha Thanh. Ngoài ra tác giả cũng được “6 tu sĩ” nào đó nói cho biết là “Cha Thanh không có đại diện cho anh em linh mục chúng tôi” như tác giả viết sau đây: “Sau đó tôi tiếp xúc với 6 tu sĩ đại diện cho Hội đồng Linh mục để xin sự hợp tác và hậu thuẫn của họ. Đại diện của Hội đồng các Linh mục Công giáo bảo tôi: “Chúng tôi đại diện cho 3 ngàn Linh mục và mấy triệu tín đồ công giáo trong nước. Chúng tôi sẽ chết tại đây với cái xứ sở này. Cha Thanh không có đại diện cho anh em linh mục công giáo chúng tôi... Tôi ghi mãi ơn sâu nghĩa nặng này trong lòng” (trang 384). Nhận xét về mấy câu ông Nguyễn Bá Cẩn viết “các giáo xứ xung quanh Saigon... nghe theo lời sách động của Linh mục Thanh xuống đường gây rối” là không thành thật, tác giả Nguyễn Trần Quý đã thẩm định công bình khi cho rằng: “Trung thực mà nói thì việc chống tham nhũng của LM Trần Hữu Thanh gây ồn ào dư luận là do LM Thanh cho phổ biến bản luận tội tham nhũng của một số giới cao cấp như Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, tướng Đặng Văn Quang... (Ở đây tác giả Nguyễn Trần Quý đã nhớ lầm. Thật ra, Bản Cáo Trạng Số 1 nhắm vào việc tố cáo TT Nguyễn Văn Thiệu về sáu tội tham nhũng [39]. N.Đ.C. ghi chú) rồi được báo chí khai thác, chứ không phải do những cuộc biểu tình ngoài đường phố. LM Thanh chỉ tổ chức được dăm lần biểu tình ở Sài gòn, mỗi lần không quá vài trăm người, bị Cảnh Sát Dã Chiến ngăn chặn, không gây được thiệt hại vật chất nào đáng kể và làm sao sánh được với những cuộc biểu tình của Phật Giáo Ấn Quang với hàng ngàn người tham dự, có xô xát đổ máu với cảnh sát, chiếm cứ canh gác công trường chợ Bến Thành ở Sài gòn, hoặc đưa bàn thờ xuống đường ở Huế, hợp lực với chính quyền tỉnh Thừa Thiên ly khai, đến độ tướng Kỳ phải huy động cả sư đoàn TQLC ra đối phó. Có thể ông Nguyễn Bá Cẩn không biết những biến động lớn lao này vì thời gian đó ông còn đang công tác ở cấp tỉnh chăng”. [40] Trong một đoạn văn khác ông Nguyễn Bá Cẩn đặt vấn đề một cách rất ngây thơ rồi lập lại những lời sai sự thật như trên: “Tại sao trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, Công giáo và Đại Việt Cách Mạng đều có nghị sĩ và dân biểu của mình tại Thượng và Hạ nghị viện, lại không chọn lựa thủ tục hợp hiến và hợp pháp để truy tố TT Thiệu như Hạ viện Hoa Kỳ đã làm đối với Nixon, mà lại tổ chức xuống đường, bạo động, tấn công lực lượng cảnh sát và đốt phá công ốc và xe Cảnh sát” (trang 335). Sau khi Bản Cáo Trạng Số Một được công bố với những chứng cớ rất rõ ràng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có lên đài truyền hình nói chuyện với dân chúng nhưng trong tư thế rất ngạo mạn và thách thức trước các lời tố giác, nhất là đối với phần cáo buộc ông liên quan tới việc buôn bạch phiến trong cuốn sách của tác giả McCoy mà ông Thiệu cho là “chuyện phong thần”. [41] Trong thực tế, Phong Trào Chống Tham Nhũng của LM Trần Hữu Thanh có những hoạt động rất tự chế trong các cuộc mít tinh, như là tập họp giáo dân lại trong khuôn viên nhà thờ, linh mục chánh xứ giới thiệu thành phần Ban Tổ chức của Phong Trào, đọc Bản Cáo Trạng Số Một, sau đó một số người được mời phát biểu ý kiến, xong thì mọi người giải tán, thí dụ như cuộc mít tinh ở nhà thờ Phủ Cam Huế cuối tháng 8/1974, ở nhà thờ chính tòa Cần Thơ tháng 10/1974, và một đêm đốt nến chống tham nhũng tại khuôn viên thánh đường giáo xứ Tân Sa Châu trong tinh thần rất trang trọng gây xúc động cho quần chúng và báo chí tự do lúc bấy giờ. Cuốn sách Công và Tội của Nguyễn Trân có thuật lại chuyện ông Đại tá Trần Văn Đệ, cảnh sát trưởng Gia định đã phê bình chuyện cảnh sát ngăn chận cuộc họp báo của Phong Trào ngày 18. 4. 1974 tại giáo xứ Tân Sa Châu “Không lo việc mất nước mà lo đi ngăn chận người ta” (trang 719). Sau khi VC tấn công và chiếm Phước Long ngày 5.1.1975, Phong Trào Chống Tham Nhũng đã nhận thức tình trạng nguy vong của đất nước và tự ý đình chỉ mọi hoạt động của mình. Trong tác phẩm The Twenty-Five Year Century, tướng Lâm Quang Thi đã dành mấy trang để phân tích về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam Cộng Hòa từ ông Nguyễn Văn Thiệu cho đến Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, tướng Nguyễn Văn Toàn ở vùng II và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ở vùng IV nhất là các bà như bà Thiệu, bà Viên v.v. Phân tích của tướng Thi dựa trên cuốn sách Những ngày cuối cùng của VNCH của cố giáo sư sử học Nguyễn Khắc Ngữ, tuy nhiên ông Thi cũng cho rằng việc làm chống tham nhũng của Phong Trào của cha Thanh là phù hợp với lòng dân [42]. Kinh nghiệm Trung Hoa Dân Quốc mất lục địa vào tay Trung Cộng cũng là do nạn tham nhũng. Những vụ tham nhũng có tầm vóc quốc gia như vụ còi hụ Long An, vụ Quỹ Tiết Kiệm quân đội, vụ lính kiễng lính ma ở Vùng IV, kể cả có người đem bán cả xe tăng cho VC thì làm sao những sự kiện đó không có những triệu chứng làm lung lay tình hình đất nước đến tận gốc rễ? Sự dấn thân của LM Trần Hữu Thanh, LM Đinh Bình Định xuất phát từ bản kiến nghị đòi trong sạch hoá guồng máy quốc gia của 301 Linh mục vùng Sài gòn Gia Định cùng với sự nhập cuộc của Nhóm Dân Biểu Quốc Gia Hạ Nghị Viện, sự hỗ trợ của Đại Việt Cách Mạng Đảng nói lên quyết tâm cứu nguy chế độ Miền Nam trước khi tình hình quá muộn, nhưng TT Nguyễn Văn Thiệu cứ bình chân như vại có chịu nghe đâu! Có lẽ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi ông Nguyễn Bá Cẩn bàn về “Quốc nạn tham nhũng” trong phần cuối cùng của cuốn sách Đất Nước Tôi. Tôi chia sẻ với tác giả về những đoạn ông viết rằng “tệ trạng tham nhũng cũng không thể giải quyết một sớm một chiều bằng luật pháp cứng rắn, bằng cải tổ hành chánh, bằng huấn luyện, bằng cải thiện đời sống công chức, cán bộ. Mà phải giáo dục ít lắm là hai ba thế hệ, từ gia đình học đường đến xã hội, kéo dài hàng nửa thế kỷ” (trang 581). Lịch sử sẽ tái diễn chăng với trường hợp Trung Hoa Quốc Gia dưới thời Tưởng Giới Thạch, VNCH dưới thời Nguyễn Văn Thiệu và VNCS dưới thời các thế hệ cầm quyền sau Hồ? 6. - Một vấn đề lịch sử thêm vào lời kết. Nhìn chung, cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn đã soi lại những tấm gương cũ về các bài học lịch sử trong hơn ba thập niên mà ông chứng kiến và dấn thân. Có những mặt đóng góp khá tích cực nhưng cũng có rất nhiều mặt tác phẩm chưa có những nhận định chính xác, phê phán vô tư. Tác giả cũng hay liệt kê những sự kiện lịch sử để làm nền cho các luận điểm chính trị của mình, nhưng tiếc thay tác giả không lưu tâm nghiên cứu kỹ một số dữ kiện lịch sử có liên hệ cần thiết đó để sử dụng nên đã có những sơ hở bất đáng gặp thấy khá nhiều trong cuốn sách. Xin đơn cử một thí dụ ở trang 475, tác giả Nguyễn Bá Cẩn viết: “Chỉ có người Việt mới hiểu được người Việt, và trong lịch sử 4000 năm của Việt Nam, chỉ có người Việt mới chiến thắng được người Việt. Điển hình là qua nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 170 năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài phân ranh bởi sông Gianh, cuối cùng Đàng Trong dưới sự lãnh đạo của triều Tây Sơn đã thống nhất đất nước”. Lịch sử đã chứng minh Tây Sơn chưa bao giờ thống nhất được đất nước. Đây là vấn đề đã làm bùng nổ ra một cuộc bút chiến giữa linh mục Nguyễn Phương, giáo sư sử học Viện Đại Học Huế với Văn Tân, viện trưởng Viện Sử học Hà Nội, cuối năm 1959, kéo dài qua năm 1960, và xuất hiện lại năm 1963 trên Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn), Tạp chí Đại Học (cơ quan nghiên cứu của Viện Đại Học Huế) và trên Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội) chung quanh vấn đề “Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ?” [43]. Cuộc bút chiến này đã được giới nghiên cứu lịch sử người ngoại quốc cũng như người Việt nhắc đến trước năm 1975 và cho đến thời gian gần đây [44]. Hà Nội muốn giành quyền thống nhất cho Nguyễn Huệ trong khi sự thật Nguyễn Ánh (qua sự trình bày của linh mục Nguyễn Phương) là người có công thống nhất đất nước. Những bài bút chiến của linh mục Nguyễn Phương đã làm cho Văn Tân đuối lý. Đối với vấn đề thống nhất đất nước, Tạ Chí Đại Trường viết rằng: “Một trong những luận cứ ngang ngược nhất – bởi vì vô lý nhất mà được sử dụng cả quyền bính để bênh vực trong một thời gian dài, là chính Tây Sơn Nguyễn Huệ chứ không phải Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Áp lực trên phe phản bác không được quyết liệt vì không với tới thân xác kẻ đối nghịch như sau 1975, nhưng cũng đã gay gắt với sự tham gia của Tổng bí thư Trường Chinh vào lúc khởi đầu trong vụ tranh cãi đấm-gió hồi thập niên 60 giữa ông Cách Mạng Tây Sơn (tên quyển sách) Văn Tân và ông giáo sư Đại học Huế, ông bảo hoàng Nguyễn Phương, người, trong riêng tư, ghét Tây Sơn không để đâu cho hết. Ngay sự tham gia của quyền lực đã chứng tỏ được sự yếu thế của luận cứ... Sự phủ nhận vai trò thống nhất của Nguyễn Ánh thật ra nằm trong ác cảm đối với ông về việc người Pháp xâm lăng Việt Nam, làm hạ giá trị của ông trước lịch sử”. [45] Sử gia Hoa Kỳ, Alexander Barton Woodside cho rằng “Bài báo của Nguyễn Phương đã bắn một loạt đạn cuối cùng vào bầu khí nóng bừng của cuộc tranh cãi giữa các sử gia Việt Nam ở trong nam và ngoài bắc”(Phương’s article is one of the later salvos fired in a hot controversy between northern and southern Vietnamese historians) [46]. Về sau chính Phan Huy Lê, giáo sư sử học của Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, người đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong các thập niên qua, đã tỏ ra công bình hơn khi viết rằng: “Phong trào Tây Sơn, với tư cách là một cuộc đấu tranh vũ bão của nhân dân cả nước, đã có tác dụng quyết định kết thúc tình trạng chia cắt giữa Đàng Trong Đàng Ngoài kéo dài trên hai thế kỷ và có nhiều cống hiến to lớn vào việc khôi phục lại quốc gia thống nhất. Nhưng mặt khác, anh em Tây Sơn chưa hoàn thành được nhiệm vụ thống nhất quốc gia. Năm 1786, anh em Tây Sơn chia nước ra làm ba khu vực cai quản và do đó, đưa đến sự thành lập những chính quyền riêng biệt, thậm chí có lúc xung đột nhau”. [47] Cho đến bây giờ, giới sử học VN đã phải chịu đánh giá lại các vấn đề lịch sử của triều Nguyễn, nhất là vấn đề thống nhất đất nước. PTS Nguyễn Minh Tường trong bài “Vua Minh Mạng với hai tư tưởng chính trị lớn của ông: củng cố nền thống nhất quốc gia và yên dân” đã viết rằng: “Gia Long khi sáng lập vương triều Nguyễn vào năm 1802, lần đầu tiên đất nước Việt Nam thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau” [48]. Người Cộng sản đã chịu lùi bước trước chân lý lịch sử vì họ không thể tiếp tục lấy thúng úp miệng voi được. Vấn đề của lịch sử phức tạp đến như vậy cho nên người viết hồi ký cũng cần phải hết sức cẩn trọng khi đề cập đến các biến cố lịch sử trong tác phẩm của mình. Một số kiến thức kinh điển về phương pháp luận sử học có lẽ cũng không khác nhận định của dư luận chung bao nhiêu khi cho rằng “thường người ta chép hồi ký với tiền ý bênh vực sự nghiệp của mình. Vì lo lắng tự biện chính như vậy mà nhiều khi tác giả phóng đại sự thật, hay che giấu đi những chỗ không được mấy tốt đẹp. Về tập hồi ký của J. Laniel, nhan đề là Le Drame Indochinoisde Điện biên phủ au “Pari” de Genève) xuất bản năm 1957, chẳng hạn, tướng Henri Navarre đã viết: “Không ai sẽ lấy gì làm lạ nếu sách đó, như chính tác giả đã nói, là một ‘tài liệu’ chép ra ‘chỉ vì lòng ưu ái đối với sự thật’. Chẳng may xem ra vị cựu thủ tướng đã cố tìm cách đem những trách nhiệm, chính ra là của ông, trút đổ một phần cho các vị chỉ huy quân sự, một phần cho kẻ kế vị ông. Sách ông đầy dẫy những chỗ bỏ bớt, sai lạc, mâu thuẫn, ẩn ý, và có khi xuyên tạc sự thật nữa”. [49] Trên đây là kinh nghiệm của một cuốn hồi ký ở bên Tây, không phải là trường hợp áp dụng cho cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn. Ít ra ông Nguyễn Bá Cẩn cũng đã có vài lãnh vực tỏ ra can đảm hơn người như dấn thân đi lùng tảo VC thời còn làm Phó quận trưởng, nỗ lực tạo uy tín cho cơ chế dân cử, đảm đương gánh nặng vào buổi chợ chiều và trong tuổi thất thập đã dành thì giờ để viết lại những gì ông làm được hay chưa làm được cho đất nước cùng những suy tư, lấn cấn trong nội tâm của ông và của bạn bè, đồng chí của ông, giữa một thời buổi tại trên vùng đất tự do mà chỉ cần một vài chữ, một vài câu sơ sẩy thôi cũng đủ gây nên cảnh “gió tanh mưa máu” vùi dập mình ngay! Ông hơn một vài người “ngậm miệng ăn tiền” khác trước đây đã ngồi vào chức vụ lâu dài gấp mấy mươi lần ông. Tuy nhiên một học giả và nhà tư tưởng kiệt xuất Trung Hoa thế kỷ XVII, Cố Viêm Vũ (1613-1682) từng viết hơn 400 quyển sách, có nói một câu đáng suy ngẫm: “Điều rất sai lầm đối với nhà viết sách là đem sách chưa ổn định mà truyền lại cho người đời” [50]. Câu nói như một nguyên lý văn chương trên đây có giá trị cảnh giác cao hay thấp có lẽ cũng tuỳ theo lượng định riêng của người cầm bút. ( (

Nguyễn Đức Cung 8-9-2004

© Thông Luận 2009 [1] Nguyễn Phương, A Parade Of American Puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975, bản đánh máy, 1978 (chưa xuất bản), trang 85. Cuộc chạm trán giữa ông Ngô Đình Nhu với Averell W. Harriman, Thứ Trưởng Ngoại Giao trong chính sách trung lập hoá Lào 1962 dẫn đến sự bất đồng quan điểm trong việc giải quyết chiến tranh Việt Nam giữa chính quyền cố TT Ngô Đình Diệm và chính quyền Kennedy. Tú Gàn, “Những bí mật được tiết lộ sau bốn mươi năm”, Sài Gòn Nhỏ ngày 31.11.2003. [2] Philippe Devillers, Francais Et Annamites, Partenaires ou ennemis? 1856-1902, Nhà xuất bản Denoel, Paris, 1998, tr. 51. Nguyên văn tiếng Pháp là “leur ignorance est proverbiale”. Aubaret (1825-1894), Trung tá Hải quân (theo Philippe Devillers cấp bậc ông chỉ là Đại uuỳ, các tài liệu VN thường viết ông là Trung tá) từng làm Lãnh sự Pháp ở Bangkok, thông dịch tiếng Việt của Phó Đề đốc Bonard trong hiệp ước ký ngày 5.6.1862 giữa Bonard, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp. Chính Aubaret cũng ký hiệp ước ngày 15.7.1864 với Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh. Ông là một người hâm mộ văn hoá Vệt Nam, có lập trường ôn hòa trong việc giải quyết các vấn đề Việt Nam. [3] Li Tana, “The Inner Region: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in seventeenth and eighteenth centuries”. Luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia tháng 9-1992. Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Nghị có tên Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, 1999, tr. 58. [4] Ngành sử học Hà Nội đã nỗ lực đánh bóng cá nhân ông Tôn Đức Thắng (1888-1980) trong nhiều tư liệu suốt mấy chục năm nay như Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, mẫu mực (Nxb. Sự Thật, 1982), Người thuỷ thủ phản chiến ở Biển Đen (Nxb Thông tin Lý luận, 1988). Nhưng mới đây một tác giả ngoại quốc, Giáo sư Christoph Giebel hiện dạy khoa Sử tại Đại Học Washington, Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều luận chứng mới lột trần các luận điệu giả dối đó của các nhà viết sử Cộng Sản, thí dụ ông Tôn chưa phải là một chiến sĩ của giai cấp công nhân, ông Tôn không có mặt tại Hắc Hải khi vụ nổi loạn trên tàu Pháp xảy ra năm 1919, vì lúc đó ông ta ở Toulon, có cuộc đình công ở Ba Son năm 1925 nhưng nó không diễn ra theo cách mà văn bản chính thức tại Việt Nam mô tả (trong đó có sự tham dự của ông Tôn)... (Chú thích theo tư liệu của đài BBC, trang điện tử Việt ngữ ngày 5 tháng 9 năm 2003). [5] Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt. Nxb. Hoàng Nguyên, tái bản lần thứ nhất tháng 11- 2003, trang 451. [6] Nguyễn Cao Kỳ, viết chung với Marvin J. Wolf, Buddha’s Child. Nxb. St. Martin’s Press, New York, May 2002, tr. 100. [7] Huỳnh Bá Thành (Họa Sĩ Ớt), Ký Sự Nhân Vật. Nxb. Trẻ, 2002, tr. 67. [8] John Prados, The Blood Road, The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War. John Wiley & Sons, Inc. , NewYork, 1999. Lâm Quang Thi, The Twenty-Five Year Century, University of North Texas Press, Denton, TX, 2001, tr. 317. Tú Gàn, “Người Mỹ muốn gì ?”, Sài Gòn Nhỏ điện tử, 11.4.2003. [9] Richard Nixon, No More Vietnams. Avon Books, New York, 1985, tr. 165. [10] Henry Kissinger, Ending the Vietnam War, A history of America’s Involvement in and Extrication from tyhe Vietnam War. Simon & Schuster, New York, London, Toronto, Sydney, Singapore, 2003. [11] Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử. hồi ký chính trị, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, tr. 538. [12] Nguyễn Phương, Sđd, tr. 249. [13] Nguyễn Phương, Sđd, tr. 293. [14] Nguyễn Phương, Sđd, tr. 299. [15] Nguyễn Phương, Sđd, tr. 299. [16] Cao Văn Viên, The Final Collapse. Center of Military History, United States Army, Washington, D. C. , 1983, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Kỳ Phong có tên Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa. Vietnam bibliography, 2003, tr. 49. [17] Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam. 334 trang, Nxb The Free Press, New York, 2001. Ấn bản Việt ngữ do Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Viện Đại Học George Mason dịch có tên Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự. Viet Tide xb. [18] Cao Văn Viên, Sđd, trang 49, chú thích số 18. [19] Nhận định này cũng là của nhiều tác giả ngoại quốc và Việt Nam khi viết về chiến tranh Việt Nam. Lâm Lễ Trinh: Homepage, không nhớ rõ ngày tháng. [20] Cao Văn Viên, Sđd, tr. 122. [21] Olivier Todd, Cruel Avril, 1975 La chute de Saigon. Editions Robert Laffont, Paris, 1987, tr. 146. [22] Trịnh Tiếu, “Bí mật về mặt trận Ban Mê Thuột”, trong Những biến cố cần được ghi lại. Nhóm Thân Hữu Trịnh Tiếu và Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN vùng Sacramento xb. , 1996, tr. 95. [23] Trịnh Tiếu, Bài đã dẫn, tr. 97. [24] Cao Văn Viên, Sđd, tr. 158. [25] John E. Murray, Vietnam as History., Peter Baestrup, Ed. , Washington DC, University Press, 1984, dẫn theo Cao Văn Viên, Sđd, tr. 295. [26] Lữ Giang, “Trách nhiệm làm mất Miền Nam Việt Nam”, trong Những biến cố cần được ghi lại, Sđd, tr. 190; Tú Gàn, “Người trong cuộc lên tiếng”, Saigon Nhỏ, ngày 16.4.2004. [27] Lữ Giang, Bài đã dẫn, tr. 183-186. [28] Cao Văn Viên, Sđd, tr. 134. [29] Lâm Lễ Trinh, “Mạn đàm với BS Nguyễn Lưu Viên: Từ hội nghị La Celle – Saint Cloud đến những ngày VNCH hấp hối”, Ngày 1.9.2001, Thuỷ Hoa Trang, Huntington Beach, Californie. [30] Tú Gàn, “Người trong cuộc lên tiếng”, Saigon Nhỏ, ngày 16.4.2004. [31] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, hồi ký chính trị, Nguyễn Phước Tộc xuất bản 1990, tr. 557. [32] Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử. Văn Học xb. , California, USA, 1999, tr. 153. (Dẫn từ Hugues Tertrais của Nguyễn Thế Anh, “Historical Research in VN: A Tentative History”, trong Journal of Southeast Asian Studies, số tháng 3. 1995). Tạp chí Thế Kỷ 21, số 185 Tháng Chín năm 2004 là số đặc biệt viết về PHAN THANH GIẢN đã lột trần chính sách vô liêm sỉ của bọn cầm quyền Cộng Sản Hà Nội trong việc sử dụng nhóm sử thần của chế độ đứng đầu là Trần Huy Liệu năm 1963 để hạ bệ cụ Phan, một anh hùng dân tộc Việt Nam thế kỷ XIX. [33] Tạ Chí Đại Trường, “Những vấn đề không cần bàn cãi nhiều”, Tạp chí Thế Kỷ 21, số 158, Tháng Sáu 2002, tr. 55. [34] Bùi Diễm, Gọng Kìm Lịch Sử. Hồi ký chính trị, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2002, tr. 103. [35] William J. Duiker, Ho Chi Minh, A life. Nxb Hyperion, New York, 2000, tr. 114. [36] William J. Duiker, The Communist Road To Power In Vietnam. WestviewPress, Second Edition, 1996, tr. 35. Theo Tưởng Vĩnh Kính, trong Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, bản dịch của Thượng Huyền, Văn Nghệ xb tại California, 1999, nguyên tác Hoa ngữ có tên Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích nguỵ trang giả. Đài Bắc: Truyện kí Văn Học Xuất bản xã xuất bản, 1972, thì Cộng Sản Quốc Tế giao cho Trần Phú, một sinh viên đang du học tại Nga, tống đạt một chỉ thị cho Hồ Chí Minh giải quyết sự tranh chấp giữa ba đảng Cộng sản ở Việt Nam (trang 110). [37]. - Tưởng Vĩnh Kính, . [38] Bùi Diễm, Sđd, tr. 69. [39] Nguyễn Trân, Công Và Tội. Hồi ký lịch sử chính trị Miền Nam Việt Nam, 1945- 1975, Xuân Thu xb. , 1992, tr. 744. [40] Nguyễn Trần Quý, “Đọc hồi ký của một Thủ Tướng”, Tạp chí Diễn Đàn Giáo Dân, số 32, Tháng 7 năm 2004, tr. 76. [41] Nguyên văn câu nói của TT Thiệu. Một tác giả Hoa Kỳ, McCoy trình bày trong cuốn Chính sách bạch phiến ở Đông Nam Á, có đề cập tới trường hợp của TT Thiệu, ông Kỳ, ông Khiêm, dẫn theo Công và Tội của Nguyễn Trân, tr. 744 và các trang tiếp theo. [42] Lâm Quang Thi, Sđd, tr 321. [43] Nguyễn Phương, “Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?”, Tạp chí Bách Khoa số năm 1959, Sài gòn. Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử: Bài của ông Văn Tân “Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh, Trả lời cho ông Nguyễn Phương, Bách Khoa Sài gòn”, số tháng 9 năm 1959. Tạp chí Bách Khoa: “Ai thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” của Nguyễn Phương, số 148, 149 (1963). Tạp chí Đại Học: Bài của Nguyễn Phương trả lời cho Văn Tân đề là “Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?”, số 35-36 (Tháng 1, 2 năm 1964). [44] Alexander Barton Woodside, Vietnam and the Chinese Model, A comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century. The Harvard University Press, Cambridge (Massachussetts) and London, 1988, tr. 19 và 298. Tạ Chí Đại Trường có nhắc đến cuộc bút chiến này trong bài “Những vấn đề không cần bàn cãi nhiều”, Tạp chí Thế Kỷ 21, số 158, Tháng Sáu 2002. [45] Tạ Chí Đại Trường, Bài đã dẫn, tr. 53. [46] Woodside, Sđd, tr. 298. [47] Phan Huy Lê, Tìm Về Cội Nguồn, Tập I, Nxb. Thế Giới, Hà Nội 1998, tr. 652. Bài của ông Phan Huy Lê có tên “Những vấn đề về phong trào nông dân Tây Sơn”, đăng trong Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 49 tháng 4-1963 và số 50 tháng 5-1963. [48] PTS. Nguyễn Minh Tường, “Vua Minh Mạng với hai tư tưởng chính trị lớn của ông: củng cố nền thống nhất quốc gia và yên dân”, tr. 27, trong Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn. Nxb. Giáo Dục, 1997, tuyển tập do Nguyễn Phong Nam (chủ biên), Trần Hữu Duy, Huỳnh Kim Thành, Trần Đại Vinh. [49] Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học. Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964, tr. 134. Jean Laniel, Thủ tướng Pháp (1954). Henri Navarre, Tổng Tư lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương (7/1953 – 6/1964), bạn của Thủ tướng René Mayer. [50] Vương Tuệ Mẫn (chủ biên), 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc. Dịch giả: Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, 2002, tr. đầu sách và 512.

Lưu trữ Blog

Người theo dõi