26 thg 5, 2009

Những bài học tri hành rút ra từ lịch sử 1/2

Những Vấn Đề Lịch Sử: Đọc hồi kí Đất nước tôi của Nguyễn Bá Cẩn [1] (Nguyễn Đức Cung) Đăng ngày 26/05/2009 lúc 13:31:37 EDT Đề tài: Nhìn Lại MìnhNhìn Lại MìnhPhotobucket - Video and Image Hosting

Những bài học tri hành rút ra từ lịch sử (đọc hồi kí Đất nước tôi của Nguyễn Bá Cẩn) Nguyễn Đức Cung

“...Sự sụp đổ của Miền Nam xuất phát từ nhiều yếu tố mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thông qua hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn để từ đó rút ra được những bài học tri hành xét ra rất cần thiết cho việc tìm hiểu một giai đoạn lịch sử khó khăn của Miền Nam trước đây...”

1 2
Trong một tác phẩm nhan đề Bài học của lịch sử [1], Will Durant (viết chung với Ariel Durant), một sử gia danh tiếng hiện đại của Hoa Kỳ đã có những bâng khuâng khi tự hỏi: “Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mệnh của các Quốc gia không? Hay rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả”. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại qui mô hơn?” [2]. Nỗi bâng khuâng đó có lẽ cũng là tâm thức chung của những người cầm bút viết lại lịch sử với tính cách chuyên nghiệp bằng những tác phẩm thuần tuý sử học hay là với tính cách những cuốn hồi ký chính trị để trang trải những hối thúc trong tâm tư của mình. Đối với một số sinh hoạt văn hoá, chính trị của cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong thời gian gần đây, sự xuất hiện cuốn hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện (Pháp nhiệm II, 1971-1975), Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (1975), được tái bản hai ba lần qua nhiều buổi ra mắt là một đóng góp rất tích cực cho việc viết lại các sự kiện lịch sử của bốn thập niên qua mà chính tác giả là một nhân chứng, đồng thời sự xuất hiện của tác phẩm đó cũng là một sự kiện chính trị cuốn hút sự tham gia của nhiều tầng lớp đồng bào Việt Nam ở hải ngoại. Với một cuốn sách gần sáu trăm trang, bìa in thật trang nhã với hình ảnh mang đầy ý nghĩa sâu đậm của tình đất nước quê hương, và với những dòng chữ giới thiệu chân tình của các thân hữu như Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ, tác phẩm Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn đã hội tụ nhiều yếu tố cần phải được trân quý, và dĩ nhiên nội dung cuốn sách phải chứa đựng nhiều sự kiện của bài học lịch sử cần được quan tâm tìm hiểu đúng mức. Trước hết tác giả cho biết quan điểm của ông khi viết tập hồi ký rằng “Tập sách này khác hẳn với một số sách viết về Việt Nam mà tác giả chỉ nhìn cuộc chiến tại Việt Nam dưới khía cạnh thuần tuý quân sự, hay chính trị, tùy môi trường tranh đấu của tác giả” (Lời Tựa, trang 11). Ở đoạn khác, ông tóm lược rất khái quát nội dung cuốn sách với những hàng như: “Đất Nước Tôi” đúc kết trọn cuộc đời dấn thân tranh đấu của tôi từ địa bàn sình lầy của xã ấp, tranh giành từng tấc đất, từng người dân với cộng sản, đến môi trường thành thị mà chế độ miền Nam đã tỏ ra không thích ứng vì đã để quá nhiều kẽ hở cho địch khai thác đánh ngược lại ta, và sau cùng tại cấp bực quốc gia mà những thất bại chính trị và ngoại giao của lãnh đạo miền Nam đã dẫn dắt đến sự sụp đổ của đất nước” (trang 11). Kế đó, mục đích của cuốn sách được tác giả khiêm tốn đưa vào trong Lời Tựa là “chỉ mong độc giả của thế hệ trẻ hiện thời và sau này được nghe thêm một tiếng chuông, có thêm một nhận định về đất nước nói chung qua các thời kỳ từ lệ thuộc Pháp, đến thời kỳ kháng chiến giành độc lập, tiếp theo là chiến đấu để bảo vệ nếp sống tự do dân chủ để rồi sau cùng rớt vào tình trạng lệ thuộc chủ nghĩa Cộng sản ngoại bang, ác độc và tàn bạo gấp trăm lần chủ nghĩa của thực dân và đế quốc tư bản”. Tác giả bày tỏ thêm về “mục đích chính của tập hồi ký này là để vinh danh chiến sĩ quốc gia miền Nam đồng thời cực kỳ lên án tội ác tầy trời của Cộng Sản Việt Nam” (trang 13). Hồi ký cũng được coi là một hình thức của biên niên sử vì là tư liệu tường thuật lại cuộc đời của tác giả từ nhỏ cho đến già hay một giai đoạn nào đó cho nên trong cuốn Đất Nước Tôi người đọc sẽ theo dõi câu chuyện theo thứ tự thời gian về tác giả, môi trường sinh sống và các biến cố lịch sử xảy ra. Thể loại hồi ký phần lớn dựa trên ký ức của người viết tuy nhiên trí nhớ cũng không phải luôn luôn trung thành, bởi vậy, theo giới nghiên cứu sử học nếu hồi ký được thư tín hoặc nhật ký nâng đỡ thì tư liệu sẽ trở nên chắc chắn hơn. [3] 1. - Hành trang đi vào đất nước Trước hết phải khen rằng tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã rất khéo khi chọn cái tên cho tác phẩm hồi ký chánh trị của ông là Đất Nước Tôi mặc dù phần lớn tác phẩm đều chỉ để nói về một phân nửa đất nước Việt Nam tức Miền Nam Việt Nam mà thôi. Hai mươi chương của cuốn sách với mỗi chương mang một tiểu đề khác nhau nhưng đối chiếu lại thì thấy rất phù hợp với cái tên chính của tác phẩm cùng nội dung từng chương đặt vào giữa một bối cảnh chung là quá trình phát triển của đất nước và sự trưởng thành của tác giả. Tác giả lớn lên từ một làng quê Nam bộ, làng Phú Hữu thuộc tỉnh Cần Thơ nên những cảnh sinh hoạt nơi ruộng vường, sông nước được phản ảnh dưới ngòi bút của ông. “Toàn dân trong xã làm ruộng, hết mùa lúa ở quê nhà thì rủ nhau bơi xuồng xuống Ba Xuyên gặt lúa để kiếm thêm chút đỉnh, hoặc bằng tiền hoặc bằng hiện vật là lúa để tăng cường lợi tức thấp kém của mình. Lúc bấy giờ trong nước chỉ làm ruộng một mùa. Người nào siêng năng cần cù thì trồng thêm vài luống khoai hoặc bắp, kiếm thêm thức ăn độn cho gia đình. Nông thôn ta lúc bấy giờ chưa biết làm lúa hai mùa hoặc trồng rẫy qui mô để sinh lợi. Sau khi gặt hái, còn lại nửa năm không biết làm gì nên dân làng thường tổ chức cờ bạc và đá gà. ” (trang 22) Ghi nhận này của tác giả có lẽ một phần nào trung thực đối với nơi sinh quán của ông nhưng về đại thể toàn quốc thì có lẽ việc làm lúa hai mùa đã có từ lâu đối với con nhà nông Việt Nam, ngoài ra còn có vụ chiêm tức là vụ mùa phụ làm vào tháng 5 âm lịch. Dĩ nhiên với đất đai mầu mỡ của vùng đồng bằng sông Cửu Long và với thời tiết tương đối thuận lợi của chốn đất lành, người dân Nam Bộ không cần thiết phải trải sức lao động cật lực như ở miền Bắc mới có đủ ăn, nên cái cảnh tượng đói khổ như tác giả cho biết tưởng cũng là trường hợp hiếm thấy. Về phương diện ăn mặc, tác giả cho biết: “Nhiều gia đình nghèo không mua nổi vải, phải may quần áo bằng bố tời (loại bao bố chỉ gai màu xám lợt để làm bao đựng lúa đựng gạo). Chính mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình nghèo đến nỗi chỉ mua sắm có được một bộ quần áo, dù là bằng bố tời. Khi có việc phải ra khỏi nhà thì vợ hoặc chồng mới dùng đến bộ quần áo duy nhất đó. Ở thôn quê chí rận nhiều, vì vừa nghèo vừa thiếu điều kiện vệ sinh. Cho nên trước khi mặc quần áo bằng bố thì phải trải lên mặt phản và lấy ve chai loại 1 lít, đè thật mạnh và lăn qua lăn lại để giết chí rận, đè nát lên bọn chúng, tiếng nghe “răng rắc” (trang 24). Một nhà văn của miệt vườn, Sơn Nam, vốn là một tác giả rất quen thuộc của Miền Nam Việt Nam trước đây, cho biết: “Tỉnh Cần Thơ điển hình cho sự sung túc của Hậu giang, nơi gọi là thủ đô miền Tây, với nhiều đồn điền của Pháp. Một phần đất của Cần Thơ đã được khai khẩn từ thời Minh Mạng, Tự Đức. Cần Thơ là nơi người Việt chiếm đa số, phong tục thuần thục, nước ngọt, đất tốt, đường giao thông thuận lợi về Sài Gòn, với vùng Ngả Bảy (Phụng Hiệp), một quận thành hình nhờ việc đào kinh thời Pháp thuộc” [4]. Tuy nhiên, tác giả này cũng cho biết tình trạng khó khăn của nông dân vì chính sách địa tô trước đây dưới thời Pháp thuộc: “Giá biểu địa tô cao thấp tùy theo đất tốt xấu, tùy theo “lòng nhơn đạo” của chủ điền. Nhưng ta có thể nắm lấy nguyên tắc: chủ điền đã tính toán thật kỹ để đến khi lúa chín, bằng mọi cách, họ thâu 80 phần 100 sản lượng mà tá điền gặt hái được. Tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm quần áo, ăn chơi trong mấy ngày Tết, ra giêng là bắt đầu vay nợ mới. Nhiều chủ điền tỏ ra nhơn đạo, thâu địa tô rất thấp nhưng bắt buộc tá điền phải vay thêm tiền mặt và lúa để ăn với tỷ lệ lời quá cao” [5]. Sử dụng một số biến cố xã hội hoặc chính trị hay quân sự làm bối cảnh cho chương đầu của tập hồi ký Đất Nước Tôi, tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã lý giải một số những khó khăn của đất nước trong đầu thập niên 40 dù chưa được chỉnh lắm, thí dụ ở trang 22, ông viết: “Gạo thừa thãi chút đỉnh nhưng xuất cảng không được. Ngoài ra, Pháp và Nhật tung đòn phá nhau về kinh tế gây nạn đói ở Bắc Việt chết hàng triệu người”. Nạn đói ở Bắc Việt đã được rất nhiều tài liệu trong nước cũng như tác giả ngoại quốc đề cập tới xuất phát từ nhiều nguyên nhân có thể kể đến đó là chính sách thâm độc của người Pháp nhằm giết hại một số dân đáng kể, gây nạn đói để làm nhụt ý chí và nhiệt tình chống Pháp, cho phép “các công ty Pháp Nhật (Denis Frères, Mitsubishi...) độc quyền thu mua và tích trữ hàng triệu tấn gạo với giá rẻ mạt. Cũng bằng cách ấy, họ dễ dàng tuyển mộ những cu-ly bản xứ cho các đồn điền cao su và hầm mỏ sang Tân Thế Giới”[6]. Chính sách của người Pháp buộc nông dân bỏ lối chuyên canh cây thực phẩm mà trồng lẫn cây công nghệ trong ruộng đồng như đay, gai, cây có dầu cung ứng cho nhu cầu nguyên vật liệu của Pháp ở Đông Dương kể cả của Nhật Bản. Ảnh hưởng thời tiết bất thuận lợi và lũ lụt với số diện tích ngập úng là 147. 950 mẫu trong các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Sơn Tây, Phú Thọ, Phú Yên gây thiệt hại gần 11 triệu đồng [7]. Ngoài ra việc phi cơ Đồng Minh oanh tạc các trục giao thông thủy bộ đã làm cho gạo ở Miền Nam không thể chở ra Bắc được cũng là nguyên nhân chính của nạn đói năm 1945. Những con số sau đây xác nhận tình trạng thiếu hụt về số lượng gạo căn cứ theo tài liệu của một số tác giả ngoại quốc. André Gaudel trong L’Indochine francaise en face du Japon (tr. 230) cho biết số gạo ở Nam Việt chở ra Bắc Việt chỉ còn khoảng 6, 830 tấn năm 1944, so với 29, 700 tấn năm 1943 và 126, 670 tấn năm 1942. [8] Ở trang 25, tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho rằng “Nhật Bản đảo chính Đông Dương để làm bàn đạp tiến chiếm Mã Lai và Singapore”. Viết như vậy xem ra mâu thuẫn với đoạn trước và phần nào không đúng lắm so với nhiều sử liệu khác, vì ở “Lời Tựa” tác giả đã ghi rằng: “Thật vậy, tôi trúng tuyển vào Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ giữa lúc Phát xít Đức chiếm xong Âu châu và đang tiến đánh Nga Xô và Phi châu. Còn bên này vòm trời Á châu, Nhật Bản đang chiếm hầu hết Trung Hoa lục địa và các nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore và bán đảo Đông Dương” (trang 9). Việc trúng tuyển đó xảy ra năm 1942 (trang 34). Nhiều tài liệu cho biết Nhật Bản đã chiếm Mã Lai và Singapore từ ngày 8/12/1941 sau trận Trân Châu Cảng. Cuộc hành quân Meigo của Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/3/1945 là để loại trừ số người Pháp tại Đông Dương theo De Gaulle ngày càng đông [9], Nhật Bản sợ bị đánh tập hậu [10] vì lúc bấy giờ thế lực của Nhật càng ngày càng yếu trước sự tấn công của Đồng Minh. Trong hồi ký Con Rồng Việt Nam, Cựu hoàng Bảo Đại dẫn lời đại sứ Nhật Yokohama cho biết mục đích của cuộc đảo chính đó là để ngăn chận những hoạt động phá hoại của Mặt trận Kháng chiến Pháp. [11] Quan điểm của tác giả đối với vai trò của Bảo Đại và đường lối của các đảng phái quốc gia trong giai đoạn Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, và biến cố “Hoa quân nhập Việt” cũng chỉ là tâm tư hy vọng của một người dân yêu nước mà chưa đánh giá đúng vai trò của Cựu hoàng và nhất là những tương quan giữa đảng Cộng sản Đông Dương với các thế lực vô sản quốc tế, và vị trí tương đối của người quốc gia nói chung trong sự sắp xếp của các đại cường. Tác giả thất vọng khi thấy Việt Nam thiếu một minh quân, cho việc từ chức của Bảo Đại là “vô trách nhiệm” và các đảng phái quốc gia “không khai thác” được tướng Lư Hán là một “thất bại to tát”. Thật ra các nhận xét khái quát này cũng còn là những vấn đề cần được thảo luận thêm. Bản thân của Cựu Hoàng cũng đã có những nỗ lực tranh đấu và hy sinh, các đảng phái quốc gia như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt cũng đã cố gắng trong khả năng của mình để hoạt động với mục tiêu phục vụ đất nước giành lại chính quyền trong những điều kiện khó khăn và hạn chế của mình so với những viện trợ dồi dào về tiền bạc và huấn luyện cán bộ của Cộng Sản quốc tế đối với Đảng Cộng Sản Đông Dương từ năm 1930 trở về sau. [12] Khi viết về làng quê của mình, tác giả với những tâm tình rất thiết tha, đã chi tiết kể lại những miếng ngon dân dã, bằng giọng văn mô tả rạch ròi, cặn kẽ như: “Đến mùa mưa lúa mạnh như thổi cùng với tôm cá sinh sản tràn đồng. Kịp đến ruộng khô không còn tôm cá nữa thì đến mùa lúa chín, là mùa chim và chuột ăn lúa chín nên cũng to béo hẳn lên. Chim thì “rô ti”, rắn thì nấu cháo đậu xanh. Thịt chim hay rắn đều có thề bầm nhỏ xào củ hành xúc bánh tráng, lớn nhỏ đều ưa thích. Chuột thì thui rồi lột da, vứt bỏ đồ lòng, giữ lại mỡ sa để thắng thành dầu thắp đèn ban đêm. Thân chuột banh ra mập trắng như heo sữa bày bán ở các xạp thịt nhà lồng chợ. Món anh em tôi thích nhất là chuột ướp sả ớt. ” (trang 31). Mẹ của tác giả, bà Trương Thị Túc, cũng được tác giả dành cho một chỗ rất xứng đáng trong phần đầu cuốn hồi ký nói lên những đức tính đảm đang, hy sinh và tháo vát của người mẹ Việt Nam (mà cha của tác giả, ông Nguyễn Ngọc Phuông đã mất trong một tai nạn xe hơi) và bà đã sống thủ tiết để thờ chồng nuôi con. Tác giả Nguyễn Bá Cẩn không quên nhắc lại ngôi trường của mình, trường tiểu học và trung học Cần Thơ với nhiều kỷ niệm vui buồn thời thanh thiếu niên. Cả ba yếu tố quê hương, người mẹngôi trường đã cung cấp những chất liệu chuẩn bị cho hành trang vào đời của tác giả. 2. - Nhận thức, dấn thân và phục vụ chính nghĩa quốc gia. Sống hòa mình nơi đồng ruộng, tận mắt chứng kiến những sướng khổ của người dân, nhờ người mẹ tảo tần khuya sớm và anh chị em thương mến giúp đỡ nhau, tác giả Nguyễn Bá Cẩn còn có may mắn được cắp sách đến trường, học giỏi và thông thạo tiếng Pháp từ bậc trung học (“M. Can, vous avez un francais impeccable. Vous serez Doc phu su dans le futur”, trang 45), hấp thụ kinh nghiệm và tinh thần tranh đấu của người anh ông là một cán bộ cao cấp của Đại Việt. Có thể nói tác giả Đất Nước Tôi là một mẫu người được đào luyện khá hoàn toàn từ môi trường quốc gia. Ông nhập ngũ Khoá 1 Thủ Đức Nam Định vào tháng 9 năm 1951 khi vừa đậu xong Tú Tài và trước đó không lâu các chiến trường Mạo-Khê, Sông Đáy và sau đó mặt trận Hòa Bình dội những tiếng vang dữ dằn từ bắc vào tới tận trong nam. Ông không có duyên mấy với con đường võ nghiệp vì lý do sức khoẻ và sau đó trở lại con đường hành chánh, tiếp tục bước vào đời với Khoá 1 Học viện Quốc gia Hành chánh vào tháng 2 năm 1954 để rồi sau đó cơ chế này được cải tổ, kiện toàn qua chương trình giảng dạy với sự hỗ trợ của trường Đại học Michigan (Michigan State University, gọi tắt là MSU) do Tiến sĩ Wesley R. Fishel và một số giáo sư khác của trường này đảm trách. Tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho biết: « Một phái đoàn cố vấn của MSU sang Sài Gòn với hai nhiệm vụ chính là cố vấn chính phủ Việt Nam về cải tổ hành chánh và giảng dạy sinh viên Quốc gia Hành chánh. » Thật ra, Tiến sĩ Fishel và nhóm đồng nghiệp của ông cũng còn giúp cho chương trình huấn luyện ngành công an và cảnh sát của Miền Nam vốn là một bộ phận rất quan trọng trong nền chính trị của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ [13]. Ông Cẩn cho biết chương trình của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh nhằm «đào tạo sinh viên dựa theo chương trình hành chánh công của MSU, đặt quan niệm Lãnh đạo Hành chánh là một khoa học mà các yếu tố đựa trên các dữ kiện được kiểm chứng bởi những định luật khoa học, chớ không phải chỉ tùy thuộc nơi thiên phú của con người lãnh đạo như quan niệm Pháp và quan niệm nhân trị của Nho học thời xưa». (trang 60). Tác giả cũng tỏ ra rất tự tin và hãnh diện về cơ chế giáo dục có tầm vóc quốc gia này vốn đã giúp ông mạnh dạn bước vào cuộc đời hoạt động nghiệp vụ và chính trị nên cũng đã nhắc đến nó nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm. Khởi đầu cho nhận thức của mình, tác giả Nguyển Bá Cẩn đã có những suy nghĩ chân thực của ông đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh tụ của Miền Nam: «Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi còn giữ chức Thượng Thư, rất bất mãn về việc thực dân Pháp đã không thật lòng áp dụng qui chế bảo hộ cho Nam Triều. Qui chế bảo hộ chẳng có quyền hành gì thế mà nước Pháp vẫn lấn quyền cho đến mức giống như trực tiếp cai trị ở Nam Kỳ. Do đó người Thượng Thư trẻ tuổi đã từ bỏ quyền cao chức trọng, trở về với cuộc sống thường dân để mưu toan việc nước. Thật là một tấm gương cao quý. Khi nhận chức Thủ Tướng của Việt Nam, ông Diệm không những đã dứt khoát với thực dân Pháp mà còn thẳng tay trừng trị phong kiến tay sai của thực dân để củng cố chế độ hầu đối phó với kẻ thù chánh là Cộng sản» (trang 62). Đối với chính nghĩa quốc gia mà tác giả đã nhiều lần băn khoăn và hoài vọng thì ở đoạn văn sau cũng trang đó, ông bày tỏ cảm tưởng: «Chính thể Cộng Hòa được ban hành như một trận mưa rào tưới mát tầng tầng lớp lớp sĩ quan, công chức, cán bộ và đoàn thể nhân dân lâu nay xả thân hy sinh cho tự do dân chủ. Kể từ đây, chính nghĩa quốc gia được thắp sáng trong lòng mỗi chiến sĩ và cán bộ.» Thông thường, người đã để lại nhiều ấn tượng hoặc ảnh hưởng trên lối làm việc của ta chính là thầy dạy hoặc người bảo trợ, hoặc là vị lãnh đạo trực tiếp của ta trong nghiệp vụ hành chánh hoặc chính trị trong bước đầu xây dựng sự nghiệp cá nhân. Qua tác phẩm Đất Nước Tôi, tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã nhiều lần nhắc tới ông Nguyễn Trân vốn là một cộng sự viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tác giả cuốn hồi ký chính trị Công Và Tội do nhà xuất bản Xuân Thu in tại Hoa Kỳ năm 1992, vốn là cấp trên của ông khi ông đổi về làm việc tại Định Tường. Có lẽ với những phần tham khảo từ cuốn Công Và Tội để viết một số đoạn có liên hệ đến các biến cố lịch sử trong Chương 1 và 2, hoặc để hình thành nên Chương 3 (Dấn Thân) và Chương 4 (Quận Trưởng), tác giả Nguyễn Bá Cẩn đã tỏ lộ cho thấy phong cách làm việc của ông khác với những người bạn đồng nghiệp lúc bấy giờ, và dĩ nhiên những sai sót của tác giả này cũng là nhầm lẫn liên đới của tác giả kia. Tác giả Đất Nước Tôi cho biết: «Ông Trân với tôi rất tương đắc về lý tưởng quốc gia chống cộng và phương pháp làm việc nên ngoài tình chiến hữu còn kết thân đàm đạo về thời cuộc, về những vấn đề trọng đại của đất nước» (trang 66). Những nhận thức về thời cuộc, thực trạng đất nước, phong cách lãnh đạo và các chính sách quốc gia thời Đệ nhất Cộng hòa của tác giả Nguyễn Bá Cẩn trong Đất Nước Tôi phần nào phản ảnh quan điểm của ông Nguyễn Trân trong Công Và Tội. Thí dụ ý niệm “quân với dân như cá với nước” là một ý niệm phổ quát, vốn đã được Mao Trạch Đông hình tượng hoá trước đây [14] nay lại được ông Trân đưa vào sách của ông ở trang 171, và ông Nguyễn Bá Cẩn đã triển khai ý niệm đó trở thành một chính sách căn bản cho phương cách hành động của ông. Tuy nhiên ý niệm đó cũng đã được nhiều giới nhắc nhở tới kể cả giới nghiên cứu sử học khi viết về giai đoạn lịch sử của thời Đệ nhất Cộng hòa. 3. - Về Khu Trù Mật và Ấp Chiến Lược, xương sống của chế độ Miền Nam Trong chương 3 và ở một vài chỗ về sau, người đọc thấy ông Nguyễn Bá Cẩn trình bày quan điểm về một vấn đề rất trọng yếu mà ông mệnh danh là «Thế Cá Nước và Chiến tranh du kích». Theo ông, «Ai cũng biết rằng người dân trong Nam hiền hòa và chỉ muốn an phận sinh sống với mảnh ruộng, khu vườn của mình. Cho nên, chỉ cần tiêu diệt cán bộ cơ sở Cộng Sản thì người dân sẽ không bị khủng bố, không bị bắt buộc tham gia bất cứ điều gì kể cả hoạt động tiêu cực nhất là góp tiền. Vấn đề chỉ là tìm cá bắt ra khỏi nước. Nhưng đệ nhất Cộng hòa lại làm ngược lại, tức là lùa dân vào Khu trù mật. Và khi Khu trù mật thất bại, thì lùa dân vào Ấp chiến lược. Đệ nhị Cộng hòa cũng lùa dân vào Ấp Đời Mới hay Ấp Tân Sinh, đại khái là một biến thể của Ấp chiến lược cũ. Thay vì bắt cá ra khỏi nước, ít tốn kém và không gây thiệt hại cho dân, hai nền Cộng hòa lại làm công việc tát nước. Mà nước là dân. Tát nước tức là di chuyển hàng trăm ngàn nhân dân vào khu trù mật và ấp chiến lược, quá ư tốn kém, quá ư phiền hà, gây vô số thiệt hại cùng xáo trộn đời sống người dân.» (trang 70) Thật ra, việc gom dân lập ấp là một kinh nghiệm lịch sử quý báu của tiền nhân trong lúc có chiến tranh. Năm 1863, Nguyễn Tấn cũng đã áp dụng kế sách đó góp phần chận đứng các cuộc tấn công của người Thượng vùng Đá Vách, Quảng Ngãi. Đại Nam Thực Lục có ghi lại như sau: «Mới đặt chức Tiễu phủ sứ ở cơ Tĩnh man tỉnh Quảng Ngãi. Phàm các việc quan hệ đến sự phòng giữ dẹp giặc, thăng cử, chọn thải, lấy lương, gọi lính sát hạch, thì cùng bàn với chánh phó lãnh binh chuyên coi một nha mà tâu hoặc tư. Lấy người hạt ấy là Nguyễn Tấn lãnh chức ấy. Tấn trước đây thự án sát Thái Nguyên, khi ấy quân thứ Thái Nguyên dần yên, nghe tin bọn ác man hung hăng, dâng sớ xin về bàn bạc để làm, trong 1, 2 năm có thể xong. Vua thấy giặc Man có phần cần cấp hơn, bèn y cho. Đến đây, chuẩn cho thăng hàm thiđộc sung lãnh chức ấy, cấp cho ấn quan phòng bằng ngà. Tấn dâng bày phương lược: (nói: việc đánh giặc vỗ dân cần làm những việc khẩn cấp trước. Về 3 huyện mạn thượng du, phàm những dân ở linh tinh, tiếp gần với địa phận núi thì, tham chước theo lệ của Lạng Sơn đoàn kết các dân ở cõi ven một hay hai khu, đều đào hào đắp lũy, cổng ngõ cho bền vững. Nếu có lấn vào ruộng đất của ai thì trừ thuế cho. Còn 1, 2 nhà nghèo, ở riêng một nơi hẻo lánh, thì khuyên người giàu quyên cấp cho dỡ nhà dời về trong khu ; còn đất ở thì không cứ là đất công hay đất tư đều cho làm nhà để ở. Các viên phủ huyện phụ làm việc ấy, liệu nơi nào hơi đông người thì bắt đầu làm ngay, nơi nào điêu háo, thì phái quân đến phòng giữ ngăn chận, dần dần tiếp tục làm, để thư sức dân.»[15] Cách đây nửa thế kỷ, chế độ Cộng Hòa đã được khai sinh cùng với những quốc sách được ban hành trong đó có khu trù mật và ấp chiến lược. Thời gian từ đó đến nay đủ chín muồi để có thể nhận định được các vấn đề của lịch sử. Trong cuốn sách có tên Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994), Tiến sĩ Lâm Thanh Liêm, nguyên giáo sư kiêm trưởng ban Địa lý trường Đại Học Văn khoa Sài gòn, giáo sư tại các viện đại học Sài Gòn, Vạn Hạnh, Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Minh Đức trước năm 1975, đã trình bày rõ về cơ cấu tổ chức và lợi thế của kế sách Khu trù mật như sau: «Khu Trù Mật là một cộng đồng nông nghiệp được chính quyền thành lập và gom thôn dân vào đấy sinh sống ở những địa phương nào chưa được bảo đảm. Các thôn dân sinh sống trong những thôn xóm hẻo lánh, xa cách các trục giao thông, do đó, chính phủ không thể kiểm soát được. Trước sự đe đọa của chiến tranh xâm lược miền Bắc, Tổng Thống Diệm quyết định tập trung thôn dân sinh sống rải rác vào Khu Trù Mật, để tiện bề kiểm soát họ, đồng thời cô lập họ với « Việt Cộng », giống như cá thiếu nước không thể sống tồn tại được. Mỗi Khu Trù Mật có khoảng 3.000 đến 3.500 dân, có hạ tầng cơ sở giống tựa như trường hợp của một thành phố. o Một khu thương nghiệp (với một ngôi chợ xây cất bằng gạch và tiệm buôn bán). o Một khu hành chánh (có một chi nhánh bưu điện), , xã hội (một bảo sanh viện, một nhà trẻ) và văn hoá (các trường tiểu học và trung học cấp I, một phòng thông tin, nhà thờ và chùa chiền). Các Khu Trù Mật được điện khí hoá. Vị trí của chúng được chọn lựa kỹ lưỡng, hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển (đất đai trù phú, gần các trục giao thông): o Khu Trù Mật có thể phát triển nông nghiệp, diện tích đất trồng có thể được nới rộng nhờ khẩn hoang thêm đất mầu mỡ, để trong tương lai, các thế hệ trẻ tấn lên trở thành điền chủ. o Khu Trù Mật có thể phát triển thương nghiệp và các lãnh vực dịch vụ khác, cùng phát triển các tiểu thủ công nghệ liên hệ với nền nông nghiệp địa phương. o Nhờ Khu Trù Mật, chính quyền có thể cải thiện điều kiện sinh sống của thôn dân: cư trú tập trung cho phép chính phủ thực hiện nhiều công trình phục vụ nhân dân, ít đòi hỏi nhiều tư bản đầu tư hơn hình thức cư trú lẻ tẻ, rải rác (chẳng hạn như công tác thủy nông, điện khí hoá, xây cất trường học, nhà bảo sanh v. v.) o Khu Trù Mật là nơi bảo vệ dân chúng chống lại chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt. Ngoài việc kiểm soát dân chúng trong Khu Trù Mật, chính quyền địa phương còn được trang bị vũ khí cần thiết, để nếu cần, có thể biến Khu Trù Mật thành một « tiền đồn », ngăn chặn đoàn quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam. Bởi vậy các Khu Trù Mật thường được thiết lập tại các địa điểm có tính cách chiến lược, dọc theo biên giới hoặc xung quanh một thành phố lớn, để tạo một vành đai an ninh. Đồng thời Khu Trù Mật cũng là thị trường tiêu thụ các nông sản và các chế phẩm tiểu thủ công nghiệp. Chính phủ cấp phát cho mỗi gia đình định cư một mảnh đất 3. 000m2, để xây cất một ngôi nhà (với vật liệu do chính quyền địa phương cung cấp), một chuồng heo và một chuồng gà. Mỗi gia đình có một mảnh vườn cây ăn trái hoặc một mảnh vườn rau để tự túc mưu sinh.» [16] Robert Scigliano, thuộc trường Đại Học Michigan, cho biết Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền phản đối chính sách khu trù mật là vì ngoài việc ngăn chận Cộng Sản xâm nhập vào nông thôn, các khu trù mật được xây dựng ở những vùng chiến lược chẳng hạn dọc theo một con đường chính hay một trục thủy lộ gây trở ngại rất nhiều cho việc di chuyển của Cộng Sản. [17] Trong cuốn sách Ngô Đình Diệm En 1963: Une Autre Paix Manquée, Nguyễn Văn Châu, cựu Trung Tá, nguyên Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm lý, Bộ Quốc Phòng cho rằng sự chỉ trích chính quyền về Khu trù mật chỉ nhắm vào những chuyện xấu về nhân sự, và dư luận đối lập đi xa hơn nữa cho rằng chính quyền ép buộc dân bỏ làng mạc nhà cửa. [18] Đối với bài học lịch sử cũ về ấp chiến lược, thiết tưởng cần đọc Suzanne Labin, một nhà văn kiêm phân tích gia vốn nhiều lần tới thăm Miền Nam Việt Nam trong thời gian đệ nhất Cộng Hòa, từng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp kiến, đã có những buổi thuyết trình chính trị tại Sài gòn. Trong cuốn sách có tên Vietnam, An Eye-Witness Account, (bản tiếng Pháp nhan đề Vietnam, Révélation d’un témoin) Suzanne Labin từng viết: «Khi nhà Ngô bị lật đổ, có tám ngàn ấp chiến lược đã được thành lập xong và đang vận hành, với dự trù khoảng bốn ngàn ấp nữa cần thiết để bảo vệ cả nước. Nông dân sống rải rác dọc theo các con kênh, được yêu cầu dời chuyển để qui tụ lại thành nhiều làng, tập trung theo kiểu Âu châu. Mỗi làng được rào vững chắc bằng hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào tre vót nhọn đàng sau có tăng cường hệ thống hào rộng gài mìn để chận đứng Việt Cộng mò vào ban đêm. Trong ấp, mỗi gia đình đều được khuyến khích đào một hầm trú ấn ngay trước nhà họ. Tại sao vậy ? Khi Việt Cộng tấn công, trước đây người dân thường quá sợ nên nên chạy tứ tung gây trở ngại cho lực lượng bảo vệ nhiều khi bắn cả vào người nhà mình. Từ khi có hầm trú, người già và trẻ con cứ việc núp dưới hầm để xạ trường quang đảng cho lực lượng chiến đấu hành sử. «Người dân làng được đoàn ngũ hoá theo tuổi tác, giới tính, và tùy theo khả năng mà được giao cho một phần vụ đặc biệt. Lực lượng tự vệ và thanh niên cộng hòa là những đơn vị chiến đấu ; những dân làng khoẻ mạnh khác thì tham gia công tác phòng vệ, thanh thiếu niên thì vót chông. Người có nhiệm vụ chiến đấu được cấp vũ khí cá nhân mang luôn bên mình ngay cả khi ở nhà. Nhiều làng được trang bị thêm xe thiết giáp hoặc súng liên thanh. Mauỳ truyền tin được cung cấp giúp cho các người bảo vệ ấp chiến lược có thể gọi ngay lực lượng chính quy đến một khi bị tấn công. Nhiệm vụ chính của làng là cầm chân kẻ thù, vô hiệu hoá chúng ngoài các vành đai của ấp, cố ngăn chúng không lủi mất vào rừng trong khi lực lượng chính quy kéo tới. Bấy giờ, Việt Cộng thấy quá khó khăn khi xâm nhập một vùng dân cư có phòng thủ và ngay cả rút lui cũng thấy nhiều trở ngại.» [19] Bà Suzanne Labin còn nhắc lại câu nói có tính cách cô đọng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm rằng: «Để nghiền nát quân thù giữa CÁI BÚA của sức mạnh năng động và HÒN ĐE của các ấp chiến lược.» [20] Tác giả này cho rằng ấp chiến lược chính là tâm điểm của một cuộc cách mạng chính trị và xã hội: đó là lý do tồn tại của Ấp chiến lược vì đã đưa lại một nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ về kinh tế. [21] Chính sách ấp chiến lược được thực hiện từ năm 1961 với sự cố vấn của Sir Robert Thompson, chuyên viên về chiến thuật phản nổi dậy người Anh cùng với hai người bạn là Desmond Palmer và Dennis Duncanson được kể là một kế hoạch táo bạo nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhận định tổng quát về kết quả của chính sách ấp chiến lược, tác giả Nguyễn Văn Châu đã khẳng định trong luận án của ông: «Quốc sách Ấp chiến lược sau hai năm đã thành công trong việc ngăn chặn làm cho Việt Cộng không còn sống bám rút bòn nhân dân. Vấn đề an ninh làng ấp được vững vàng hơn, quân đội chính quy quốc gia trở thành lực lượng hành quân chủ động gây cho du kích cộng sản nhiều thất bại đáng kể, khiến cho các lực lượng du kích rơi vào thế bị động và mất thăng bằng sau khi đã mất hạ tầng cơ sở. Tinh thần quân đội quốc gia lên cao, dân chúng được bảo vệ an ninh và du kích Việt Cộng càng ngày càng hồi chánh về đầu thú với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.» [22] Trong một bài báo mới đây nhan đề «40 năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Điệm: Cái nhìn từ Hà Nội», Bùi Tín, nguyên Phó chủ nhiệm báo Nhân Dân Chủ Nhật, cựu đại tá của bộ đội Bắc Việt đã phải xác nhận ưu thế của quốc sách ấp chiến lược đã gây cho lực lượng xâm lăng Cộng Sản nhiều khó khăn và thất bại trước đây, đã thẳng thắn bày tỏ rằng: « Cùng với thời gian và sự tìm hiểu những tư liệu lịch sử, tôi thấy cần phải trả lại lẽ công bằng cho nhân vật lịch sử này. . . Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị.» [23] Bởi thế, những nhận xét của tác giả Nguyễn Bá Cẩn về khu trù mật, rồi ấp chiến lược như đã trích dẫn ở trên có phải là những quan điểm nóng vội chăng hay là do một tư duy thiên kiến nào đó thúc đẩy ông viết nên những câu đáng lẽ cần được cân nhắc hơn từ một người làm chính trị ở vào một trong những vị thế lãnh đạo Miền Nam trước đây? Thực tế chính trị Miền Nam Việt Nam cho thấy sự lợi hại của quốc sách Khu trù mật qua sự chứng kiến không chỉ của dân miền Nam mà cả rất nhiều giới ngoại quốc. Trong cuốn sách nhỏ nhan đề A Nation That Refused To Starve (Một quốc gia quyết không chết đói), Tướng John O’Daniel, viên chỉ huy phái bộ Quân sự Mỹ đầu tiên đã ca tụng chính sách đón tiếp người di cư của cụ Ngô Đình Diệm, sự thành công của các khu trù mật mà tiêu biểu là Cái Sắn, chương trình dinh điền ở Quảng Đức, Ban Mê Thuột. . . Chương trình cải cách điền địa thực hiện dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa tạo cho người nông dân một cuộc sống bảo đảm tương lai với các con số sau đây: «Từ tháng 7 năm 1954 tới tháng 7 năm 1961 có tất cả 648. 294 mẫu tây được phân phối lại cho nông dân, 301. 923 mẫu tây đất nhà nước mua lại để phát cho nông dân. Một tổng cộng 950. 217 mẫu tây mà chính quyền trưng mua lại của các đại điền chủ với giá 1. 260. 559. 427 đồng. Trong khi đó các nông dân chủ điền mới chỉ phải trả 1. 822. 116 đồng vào năm 1961.» [24] Rất nhiều tư liệu lịch sử xác nhận thành quả của quốc sách khu trù mật và ấp chiến lược và chính sách dinh điền, cải cách điền địa nói trên. 4. - Về lý thuyết gia và chủ nghĩa Cần Lao Nhân Vị. Trong chương V, đoạn 2 có tên « Sai lầm chiến lược », tác giả Nguyễn Bá Cẩn cho rằng «Trong lúc tiếp kiến Tỉnh Trưởng, Tổng Thống Diệm, theo lề lối quan lại thời xưa, cứ tưởng Cộng sản là dăm ba đứa phản loạn trong Tỉnh, phó mặc cho Tỉnh Trưởng đánh dẹp» (trang 117), và tiếp đó ông Cẩn đưa ra nhận định về ông Ngô Đình Nhu: «Còn ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, căn bản là một chuyên viên về Văn khố, chỉ nặng về lý thuyết. Thật sự ông Nhu cũng chưa hề làm chánh trị hay lãnh đạo hành chánh ở bất cứ cấp nào trước khi bào huynh của mình về nước chấp chánh. Do đó, ông Nhu mới đưa ra chánh sách Khu trù mật rất là tai hại.» (trang 117) Ông Ngô Đình Diệm đã từng làm Tuần phủ Phan Thiết năm 1930, thời điểm bùng nổ vụ Xô Viết Nghệ An nên đã có kinh nghiệm về các hoạt động của phong trào Cộng Sản. Ông Diệm cũng đã từng bị Việt Minh bắt, bị tù ở Thái Nguyên, được Hồ Chí Minh cho về Hà Nội chữa bệnh sốt rét năm 1946, đã chạm mặt và tố giác Hồ Chí Minh tội giết anh ruột ông là cụ Ngô Đình Khôi và các thành phần quốc gia, đã từng nói thẳng với Hồ Chí Minh rằng «Ông có đường lối cứu nước của ông, tôi có đường lối cứu nước của tôi», và nhất là đã theo dõi cuộc chiến tranh Pháp – Việt Minh (1946-1954) nên không thể nào ngây thơ suy nghĩ như nhận xét hấp tấp của ông Cẩn về lực lượng của du kích Cộng Sản. Phần nhận xét về ông Ngô Đình Nhu cho thấy tác giả Nguyễn Bá Cẩn có những ý kiến thật kỳ lạ. Ông cho rằng ông Nhu «chưa hề làm chánh trị», nếu quan niệm rằng làm chánh trị tức là nắm chính quyền thế thì những người như ông Hồ Chí Minh (trước năm 1945) Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu chẳng hạn đều «chưa hề làm chính trị». Nhưng nếu quan niệm làm chánh trị là hoạt động trong nhiều môi trường và qua nhiều phương cách để đạt tới chính quyền thì không thể nói rằng ông Nhu chưa hề làm chánh trị. Ông Ngô Đình Nhu đã hoạt động chánh trị từ rất sớm trước khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh. Khả năng và lập trường chánh trị của ông Ngô Đình Nhu như thế nào tưởng không cần phải nhắc lại ở đây vì đã có quá nhiều sách vở ghi lại do các khuynh hướng khác nhau. Một chứng nhân lịch sử của Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Nguyễn Văn Châu đã viết về ông Ngô Đình Nhu như sau: «Ông Ngô Đình Nhu là lý thuyết gia của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, tất cả mọi chương trình hành động và diễn văn chính trị của Tổng Thống đều phải được ông Nhu duyệt qua. Ông cố vấn, chỉ đạo và ra chỉ thị cho mỗi tổng bộ cung cấp các yếu tố căn bản cho các diễn văn chương trình của Tổng Thống. Là cố vấn chính trị của Tổng Thống, ông phối hợp các hoạt động của các công tác đặc biệt mà không phải tham vấn một ai khác, kể cả ông anh Tổng Thống. Riêng đối với công tác tôi phụ trách (phát thanh tối và xám, tuyên truyền xám ở trong Nam, đen và trắng trong Nam cũng như ngoài Bắc Việt, bằng phương tiện hàng không, hàng hải và qua biên giới Lào, tổ chức các lực lượng chính trị công khai, v. v.) tôi không phải hỏi ý và báo cáo với Tổng Thống và ngay cả với bộ trưởng phụ trách Quốc phòng, nhưng phải trình qua ông Nhu. Ông là người thông minh, phán đoán sự việc lẹ làng do đó mọi người kể cả người ngoại quốc khi bàn về chính trị đều đến trực tiếp với ông Nhu. Tuy nhiên, ông cố vấn không bao giờ dính líu tới guồng mauỳ hành chánh là lãnh vực riêng của Tổng Thống. Nếu cần thì ông Nhu gọi tôi để can thiệp với Tổng Thống khi vấn đề có dính líu tới bộ mauỳ hành chánh. Ông Nhu là cố vấn chính trị của Tổng Thống, lý thuyết gia của chế độ, là một trong những khuôn mặt chính trị sáng giá của Đông Nam Á. Tổng Thống Nam Dương Soekarno, Thủ Tướng Ấn Độ Nehru, Tổng Thống Miến Điện U-Nu, Tưởng Kinh Quốc (con trai Tưởng Giới Thạch, về sau nối nghiệp cha làm Tổng Thống Đài Loan), tất cả đều quý phục ông Nhu. Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đối với ông Nhu hơi đặc biệt, vừa đối nghịch vừa thân hữu. Vào tháng giêng năm 1946, Hồ Chí Minh phóng thích Ngô Đình Diệm, ông Nhu và Đồng, Giáp chuyện trò rất thân mật về tình hình xứ sở, về thái độ của Ngô Đình Diệm đối với Hồ Chí Minh. Võ Nguyên Giáp tỏ thái độ hiểu biết và thông cảm đối với gia đình họ Ngô, đã yêu cầu ông Nhu tới Bắc bộ phủ để tìm ông Diệm.» [25] Chính ông Ngô Đình Nhu đã từng cùng hoạt động chung và nhất là cùng ông Trần Quốc Bửu thành lập nên Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam [26] và điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học xác nhận nhưng không hề thấy tác giả Nguyễn Bá Cẩn nhắc đến trong Đất Nước Tôi. Chỉ riêng về phương diện tư tưởng, cũng cần công tâm nhận định rằng ông Ngô Đình Nhu ý thức được vấn đề chủ nghĩa cần thiết cho việc xây dựng đất nước như thế nào lúc bấy giờ. Ông đưa ra chủ thuyết Nhân Vị (Personalism) khơi nguồn từ một số triết thuyết của Tây Phương như từ nhóm Esprit của Emmanuel Mounier và dựa trên một số tông thư của các Đức Giáo Hoàng Lêo XIII hay Đức Giáo Hoàng Piô XI [27], để đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản. Ông đã trình bày chủ thuyết đó trên tạp chí Xã Hội. Ngày 8-1-1963, trong một cuộc nói chuyện với cử tọa trí thức gồm giáo sư đại học, giáo sư trung học, sinh viên và cán bộ tại Trung Tâm Thị Nghè, ông Ngô Đình Nhu giải thích rằng: « . . . mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ bị ý thức hệ Cộng sản lan tràn lung lạc.» [28] Cũng trong bài nói chuyện đó, ông Nhu nhấn mạnh: «Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ. Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản. Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức. . . ý thức hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo. Tất cả các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong ý thức hệ đó.» [29] Sau đây là một đoạn khai triển thêm do linh mục Bửu Dưỡng viết, trích từ bản tóm tắt bài thuyết trình của ông về Chủ nghĩa Nhân Vị: « Nhân là người. Vị là thứ bậc. Nhân-vị là tính cách con người sống đầy đủ con người theo thứ bậc của mình, đối nội cũng như đối ngoại. Theo nghĩa đó, hai chữ Nhân-Vị đầy đủ hơn chữ Personne Humaine của Pháp ngữ, vì hai chữ Personne Humaine nhấn mạnh đến ý nghĩa của chữ nhân mà ít chú trọng tới vị. Cần phải hiểu theo một ý nghĩa đầy đủ của cả hai chữ. Nhân là sống đầy đủ con người. Vị là sống theo đúng thứ bậc của mình trong những tương quan với người khác và vạn vật. Như vậy thì quan niệm về nhân-vị tùy thuộc quan niệm về con người và quan niệm các tương quan.» [30] Robert Scigliano cho rằng «chủ nghĩa Nhân Vị nhấn mạnh đến sự điều hòa những ước vọng vật chất cũng như tinh thần của cá nhân với các nhu cầu xã hội của cộng đồng và các nhu cầu chính trị của quốc gia. Nó nhằm tìm kiếm một con đường trung dung giữa chủ nghĩa cá nhân tư bản và chủ nghĩa tập thể mác-xít.» [31] Trong cuốn sách của bà Suzanne Labin, có trích lại một bài viết về chủ nghĩa Nhân Vị của bà Ngô Đình Nhu [32] lúc bấy giờ đang sống lưu vong ở hải ngoại, đăng trên báo The Wanderer ngày 4/6/1964. Có lẽ chủ nghĩa Nhân Vị vẫn còn những vọng âm liên lỉ ngay cả đến sau này trong lòng những người dân tị nạn Cộng Sản khi họ có cơ hội so sánh, đối chiếu những tệ trạng của đất nước Việt Nam hôm nay với các thành quả của quá khứ, nhất là thời vàng son của Đệ Nhất Cộng Hòa, để rút ra những bài học tri hành của lịch sử. Sau đây là những suy tư của một sử gia Việt Nam từng giảng dạy môn Lịch sử tại Viện Đại Học Huế trong hai mươi năm (1956-1975), tác giả của rất nhiều sử phẩm xuất bản trước năm 1975, linh mục Nguyễn Phương trong một bài báo [33] nhan đề “Cần Lao Nhân Vị”, đã viết rằng: «Đối với những người tị nạn đã trưởng thành, cần lao nhân vị là những tiếng quen biết. Cũng có lẽ vì quen biết quá nên không mấy ai lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Sự thật, mấy tiếng đó xếp lại bên nhau có thể tạo nên một phương châm thiết thực nhất và cao cả nhất cho đời sống cá nhân và xã hội. Cần lao nhân vị gọn gàng là một triết lý của đạo làm người. Cần lao không có nghĩa là việc làm suông, vì chữ cần nói lên rằng người làm việc đang tâm hướng về một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu này được tức khắc bày tỏ bằng hai tiếng nhân vị. Cần lao là để phát huy và để bảo tồn nhân vị, chứ không phải để phục vụ tư lợi hay để làm mọi cho giai cấp tranh đấu. Nói cách khác, cần lao nhân vị là đặt giá trị con người trên việc làm, và con người lấy việc làm để củng cố chỗ đứng của mình giữa trời và đất.» Tác giả nêu ra thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II có tên LABOREM EXERCENS (con người làm việc) trong đó Đức Giáo Hoàng đặt vấn đề lao động trên một nền tảng chưa chủ thuyết kinh tế hiện có nào đã đặt, nhìn con người qua việc làm, bất cứ việc làm này thuộc phạm vi vật chất hay tinh thần. Thông điệp nói: «Khi chúng tôi nói đến sự tương phản giữa lao động và tư bản, không phải chúng tôi nói đến một quan niệm trừu tượng hay một mãnh lực phi vị (impersonal) đang chuyển hành trong cuộc sản xuất kinh tế. Đàng sau cả hai quan niệm đó (lao động và tư bản) vốn có con người sống động, con người như thấy được trong thực tế của cuộc đời». Vì đó, theo tác giả Nguyễn Phương, vấn đề lao động trở thành vấn đề cần lao, nó không còn là nô lệ của lợi tức như trong chủ thuyết tư bản, hay nô lệ của đảng phái, như trong chế độ Cộng sản, mà nó là của con người làm việc, của xã hội loài người. Thông điệp đề cập đến một lối xã hội hoá gọi là xã hội hoá thỏa đáng (Satisfactory socialization) khác hẳn với lối xã hội hoá với nhà nước hay đảng làm chủ nhân ông của Cộng sản. Xã hội hoá thỏa đáng là đem một số các phương tiện sản xuất làm của chung nhưng dưới sự điều động của cần lao và tư bản. Như thế sẽ thực hiện được chủ thuyết bảo toàn giá trị con người, mà thông điệp gọi là thuyết nhân vị (personalism). Với chính sách đặc thù của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Cần Lao Nhân Vị là «một chính sách được trình bày với màu sắc của địa phương. Con người không được quan niệm như là tối thượng, mà là một loại đầu đội Trời chân đạp đất. Ở trong tam tài THIÊN, ĐỊA, NHÂN, con người không thể nào hơn Ông Trời, nhưng lại không thể nào thua vật chất. Đất, và tất cả những gì thuộc về đất, là để phục vụ con người. Đàng khác, con người không thể hoàn tất phận sự của mình nếu không sử dụng vật chất. Cần lao, sự chăm chú làm việc, cốt là để thể hiện giá trị con người, cốt là để tô bồi chỗ đứng của con người. – NHÂN VỊ – khoảng giữa trời cao và đất rộng. Trong xã hội CẦN LAO NHÂN VỊ, cố nhiên không có cảnh con người làm nô lệ con người, huống hồ là làm nô lệ phương tiện sản xuất. Nơi đây, chỉ có đồng lao cộng tác để thành tựu cuộc cách mạng NHÂN VỊ, nó ăn cả về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Về chiều sâu, con người cần lao luyện tập cho có thành tâm thiện ý. Phải tu thân đã mới mong tề gia và bình thiên hạ. Việc cách mạng phải ăn cả về chiều rộng, vì con người cần phải tri kỷ, tri nhân, cho nên phải sống trong cộng đồng và phải cùng nhau đồng tiến. Chiều cao của cuộc cách mạng nhân vị là nhờ cần lao mà vươn lên, vươn đến CHÂN, THIỆN, MỸ, để thông cảm với Đấng Trên Đầu Trên Cổ, với Thượng Đế. Trong chính sách cần lao nhân vị, con người sẽ làm viên mãn điều mà « bổn phận và lương tri » bảo phải làm trong bất cứ trường hợp nào (nên nhớ lại lời của Cố Tổng Thống trả lời cho Cabot Lodge chiều ngày 1 tháng 11, 1963)» [34] Với những điều trình bày như trên thiết tưởng còn là quá ít, rất ít về một nền tảng ý thức hệ làm phương sách đấu tranh được trang bị cho cán bộ và nhân dân Miền Nam Việt Nam chống lại ý thức hệ Cộng Sản trong lúc chế độ Cộng Hòa mới hình thành. Một trường dạy về chủ nghĩa Nhân Vị được xây dựng ở Vĩnh Long do một số linh mục và trí thức Công Giáo dấn thân đảm nhận công việc huấn luyện chủ nghĩa nói lên tầm nhìn đúng đắn và nỗ lực của những người lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Người đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy tác giả Nguyễn Bá Cẩn cứ một mực cho rằng chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa thiếu chính sách, thiếu kế hoạch về cán bộ. . . Tác giả đã phần nào thiếu công bằng khi cho rằng «Tổng Thống và ông Cố vấn Chính trị chỉ được nghe báo cáo láo của các viên chức tham quyền cố vị». Thật sự trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng có việc báo cáo láo nhưng không phải luôn luôn là như vậy, nhất là đối với những người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm như cụ Diệm hoặc ông Nhu, báo cáo láo qua mặt được họ cũng không phải là điều dễ làm. 5. - Khi lý thuyết và hiệu quả đi vào thực tế. Trong một đoạn khác ông Nguyễn Bá Cẩn cho rằng « Đất nước ở thời chiến, đương đầu một chiến tranh đặc biệt, toàn diện, gọi là chiến tranh giải phóng được Nga sô và Trung cộng sáng tạo và yểm trợ bằng mọi giá để bành trướng đế quốc Cộng sản. Thế mà tổ chức và cơ cấu chính quyền miền Nam không có gì đặc biệt để chế ngự loại chiến tranh đặc biệt này. » (trang 122). Các cơ chế của Việt Nam Cộng Hòa thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được lập ra đầy đủ, thuộc nhiều lãnh vực, trong nhiều giới tính, nhân dân cũng được đoàn ngũ hoá và huấn luyện qua các kế hoạch mà chúng ta có nghe nói đến qua các thuật ngữ như tam túc, tam giác nhưng có lẽ vì ông Nguyễn Bá Cẩn ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Trân về sau bị thất sủng thời Đệ I Cộng Hòa nên sự nhận định cũng đã có nhiều thiên kiến. Xin đọc đoạn văn sau đây để có một ý niệm khái quát về chính sách, kế hoạch quốc gia lúc bấy giờ: «Thuyết Nhân Vị Á Đông do ông (Ngô Đình Nhu) đề xướng được ông giản lược bằng phương trình sau đây: TAM TÚC + TAM GIÁC = TAM NHÂN Và ông giải thích vắn tắt: A/ TAM TÚC là: 1. - Tự túc về Tư Tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Chính nghĩa đó là cuộc cách mạng chính trị, xã hội, quân sự mà ta đang cụ thể hoá trong các Ấp Chiến Lược. Sau đó ta tự phát huy chính nghĩa trong tâm hồn, tự học tập và tự bồi dưỡng tinh thần của ta, không cần ai thôi thúc. Tự túc về tinh thần, về tư tưởng, thì tất nhiên trong mọi trườơng hợp khó khăn ta vẫn vững tâm, hoặc dù có nội loạn ở Thủ đô Sài gòn chăng nữa, thì ta cũng không bị hoang mang hay bị lung lạc. Tự túc về tư tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa. Muốn được vậy thì phải: 2. -Tự túc về Tổ Chức và Tiếp Liệu, là tự ta tìm tòi, phát huy sáng kiến để có nhiều nhân vật lực để hoạt động, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Chính phủ chỉ cần giúp ta một số vốn căn bản, dựa vào đó ta tìm cách biến cải thêm để hành động và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn hiện giờ ta thiếu kẽm gai để làm Ấp Chiến Lược, thì ta cố gắng tìm vật liệu khả dĩ làm tê liệt cơ thể bất cứ ai động đến (như đồng bào Thượng đã làm trên cao nguyên) ; hoặc dùng địa hình địa vật để lồng hệ thống bố phòng ACL vào trong đó, đỡ cần đào hào hay rào kẽm gai. Muốn thực hiện Tự túc về Tổ chức thì cần phải: 3. - Tự túc về Kỹ Thuật, là phát huy khả năng chiến đấu, và khai thác, phát triển khả năng của nhân vật lực sẵn có đến tột mức 100 phần trăm. Ba bộ phận của Tam Túc có liên hệ mật thiết với nhau: muốn Tự túc về Tổ Chức mà không Tự túc về Kỹ Thuật thì Tổ Chức không thành ; thiếu Tự túc Tư Tưởng thì tất nhiên sẽ không có Tự túc Tổ Chức và Tự túc Kỹ Thuật. Từ quan niệm Tam Túc đó phát sinh ra quan niệm Tam Giác. B/ TAM GIÁC là: 1. - Cảnh Giác về Sức Khoẻ (thể xác) nghĩa là không được đau ốm. Do đó ta phải tránh tất cả những việc làm phương hại cho thân xác ta như đau ốm, tứ đổ tường. Bảo đảm sức khoẻ thì mới bảo đảm được khả năng làm tròn nhiệm vụ. 2. - Cảnh Giác về Đạo Đức và Tác Phong Đạo Đức, vì tác phong và đạo đức là điều kiện cốt yếu của cán bộ, thiếu tác phong đạo đức sẽ chi phối tư tưởng, sẽ biến khả năng làm việc thiện ra việc ác, chưa kể việc thất nhân tâm. 3. - Cảnh Giác về Trí Tuệ là phát huy óc sáng tạo, sáng tác khả năng chiến đấu của nhân vật lực sẵn có đến tột độ. Vậy, không có sức khoẻ, đau ốm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến óc sáng tạo và thu hẹp phạm vi hoạt động của đạo đức. Không có óc sáng tạo thì dù có sức khoẻ, có đạo đức, cũng không có khả năng bồi bổ vào sự thiếu thốn nhân vật lực, là tình trạng của một nước chậm tiến. Có sức khoẻ, có óc sáng tạo, nhưng không có đạo đức, thì sức khoẻ ấy, óc sáng tạo ấy, sẽ phục vụ cho phi nghĩa, không phải cho chính nghĩa. . . » [35] Về việc huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ chính trị và tình báo, chế độ Đệ I Cộng Hòa đã thực sự làm cho đối thủ Cộng Sản phải kiêng nể. Sau đây là một đoạn trích trong cuốn sách có tên Bội Phản Hay Chân Chính của Dư Văn Chất vốn là một cán bộ tình báo Cộng Sản nhận xét về Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung, với phần mào đầu của tác giả Nguyễn Văn Minh: «Riêng với Đoàn CTĐBMT người Cộng Sản không chỉ nhìn nhận là «Một cơ quan an ninh đích thực», một « cơ quan mật vụ có một không hai», mà về trình độ nghiệp vụ và hậu quả, nó còn là một sự kiện «kỳ diệu» đối với họ: - « Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu ủy Năm, Tỉnh ủy Thừa Thiên, Thành ủy Huế rồi Đà Nẳng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược của ta trải suốt từ Bến Hải đến Sài gòn trong vòng chỉ có một năm. » (BPCC, trg. 2). - « Phải công nhận bọn mật vụ Ngô Đình Cẩn có giỏi thật – Văn nghĩ thầm. Tại sao mình không dám nói là địch giỏi – nếu thực nó giỏi – mà cứ phải vòng quanh chơi chữ để hạ thấp nó xuống và tìm cách che đậy, tự tôn mình lên ? Nó nắmvững mình từ tổ chức, phương châm công tác, quy luật hoạt động tới tâm lý và quy luật tư tưởng. Nó rành cả cách Đảng ta xử lý cán bộ bị bắt và sau khi ra tù. Mình đánh giá địch quá thấp, chỉ vì bảo thủ, giáo điều, một chiều, chỉ vì bất động trong khi địch thì thiên biến vạn hoá – đặc biệt về ngành an ninh, tình báo, công an ». (BPCC, trg. 113) [36] Từ việc ông Nguyễn Trân phàn nàn về chuyện Thiếu Tá Lê Văn Thể Tiểu khu trưởng Định Tường gây phiền nhiễu cho ông khi ông đảm nhiệm chức vụ tỉnh trưởng tại đây (Công Và Tội, trang 205), cho đến quan điểm của ông Nguyễn Bá Cẩn khi phê bình việc cố Tổng Thống Diệm bổ nhiệm các tỉnh trưởng toàn «nhà binh» mà theo tác giả Đất Nước Tôi đó cũng là một trong những sai lầm có tính chiến lược, sự phê phán của tác giả Đất Nước Tôi quả thật cũng đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Trước đây, đối với những sự bổ nhiệm như thế, người Pháp cũng đã giãi bày với nhau những lý do căn bản khi phải thực hiện kế hoạch đó ở Đông Dương. Từ năm 1946, trong khi thảo luận với tướng Valluy về tình hình, về đường lối chiến tranh của Pháp, tướng Leclerc đã có nhận định rằng: «Trước khi quyết định hành động, Balê phải bố trí một hệ thống cán bộ chính trị. Tuy nhiên phải đặt các cán bộ quân sự ở trên để lãnh đạo. Đó là một nguyên tắc bình định đã áp dụng từ một thế kỷ nay, vì quân đội là phương tiện điều hành một sự chuyển tiếp giữa dĩ vãng và tương lai.» [37] Người xưa có nói «Dụng nhân như dụng mộc». Chế độ của thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã cố gắng để tỏ ra khôn khéo trong việc dùng người, nhất là đối với Tổng Thống Diệm. Ông rất thận trọng trong việc chọn các cấp chỉ huy như quận trưởng, tỉnh trưởng, các nhân viên nội các, tòa án và quốc hội. Sự sụp đổ của Miền Nam xuất phát từ nhiều yếu tố mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thông qua hồi ký Đất Nước Tôi của ông Nguyễn Bá Cẩn để từ đó rút ra được những bài học tri hành xét ra rất cần thiết cho việc tìm hiểu một giai đoạn lịch sử khó khăn của Miền Nam trước đây.

Nguyễn Đức Cung 10- 7- 2004

© Thông Luận 2009 [1] Will và Ariel Durant, The Lessons of History, Bài học của lịch sử, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê và Trần Lương Ngọc, Xuân Thu tái bản, tháng ba 1991, trang 9- 10. a. - Tên một cảo luận của sử gia Pháp Sédillot (Chú thích của tác giả), Nguyễn Hiến Lê & Trần Lương Ngọc, Sđd, tr. 10. [2] Nguyễn Hiến Lê & Trần Lương Ngọc, Sđd, trang 10. [3] Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học. Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, tr. 134. [4] Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Nxb. Xuân Thu, California, không đề năm, tr. 202. [5] Sơn Nam, Sách đã dẫn, tr. 198. [6] Trần Gia Phụng, Án tích Cộng Sản Việt Nam. Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 35. [7] Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 38. [8] David Marr, Vietnam 1945, The Quest For Power. University Of California Press, 1997, tr. 99. [9] William J. Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam. Westview Press, A Division of Harper Collins Publishers, Second Edition, 1996, tr. 85. [10] Trần Gia Phụng, Những câu chuyện Việt Sử. Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tập 3, tr. 194. [11] Bảo Đại, Le Dragon d’Annam, bản Việt ngữ Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, 1990, tr. 157. [12] Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc. bản dịch Thượng Huyền, Văn Nghệ xuất bản, California 1999, (nguyên văn Nhất Cá Việt Nam Dân Tộc Chủ Nghĩa đích Ngụy Trang Giả), trang 111 cho biết tháng tư năm 1931, đảng Cộng Sản Đông Dương mới được chính thức gia nhập Cộng Sản Quốc Tế, và được cấp mỗi tháng 5000 quan, tương đương 1250 Mỹ kim. Rất nhiều tài liệu xác nhận Hồ Chí Minh nhận được sự giúp đỡ của Cộng Sản Trung Quốc và Liên Xô từ năm 1930 cho đến ngày nay. [13] Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu xb. , in lần thứ ba, 1999, tr. 24. Fishel «bị chấm dứt hợp đồng vào trước cuối năm 1962 vì bị khám phá ra là một nhân viên CIA quan trọng» (Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt. Hoàng Nguyên xb, tháng 11- 2003, tr. 257). [14] Stanley Karnow, Vietnam, A History, The first complete account of Vietnam at war. The Viking Press, New York, 1983, tr. 255. [15] Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXVIII, tr. 45. Kế hoạch này đã được Nguyễn Tấn và hậu duệ của ông áp dụng trong việc xây dựng sơn phòng Quảng Ngãi và Bình Định, đem lại an ninh và thịnh vượng cho vùng cao các tỉnh này. Xem thêm Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư và Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân. Nxb. Nhật Lệ, Philadelphia, 1998 và 2002. [16] Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994). Nxb. Nam Á, Paris, 1995, tr. 55. [17] Robert Scigliano, South Vietnam, Nation Under Stress. University of Colorado, Houghton Mifflin Company, Bostn, tr. 180. [18] Nguyễn Văn Châu, Ngô Đình Diệm En 1963: Une Autre Paix Manquée, bản tiếng Việt Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hòa bình dang dở. Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb. Xuân Thu, California, 1989, tr. 149. [19] Suzanne Labin, bản tiếng Pháp Vietnam, Révélation d’Un Témoin, bản tiếng Anh Vietnam, An Eye-Witness Account. Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55. [20] Suzanne Labin, Sđd, tr. 57. [21] Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 154. [22] Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 155. [23] Bùi Tín, “40 năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: Cái nhìn từ Hà Nội”, Thông Luận số 174, tháng 8- 2003, tr. 8-11. [] Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 140. [25] Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 104. [26] Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt. Hoàng Nguyên xuất bản, tái bản lần thứ nhất, tháng 11- 2003, tr. 419; Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 102. [27] Robert Scigliano, Sđd, tr. 76. [28] Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 419. [29] Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 421. [30] L. M. Bửu Dưỡng, “Trước những trào-lưu mới: Phong-trào Nhân-Vị”, Tạp chí Đại Học, số 11, tháng 9 năm 1959, tr. 48. [31] Robert Scigliano, Sđd, tr. 76. ] [32] Suzanne Labin, Sđd, tr. 52- 55. [33] Trong những năm sống ở hải ngoại, sau 30-4-1975, linh mục Nguyễn Phương cộng tác với nhiều báo Việt ngữ, dưới bút hiệu Trúc Long, đặc biệt với tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia, Hoa Kỳ. [34] Trúc Long Nguyễn Phương, “Cần Lao Nhân Vị”, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, mục « Tiếng vọng miền Tây », số 162. [35] Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 423. [36] Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 124. [37] Phạm Văn Sơn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn hình thành 1946- 1955, tức Quân Sử 4, cơ sở Đại Nam tái bản, tr. 25.

Lưu trữ Blog

Người theo dõi